Ngày 11/12, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ II, năm 2024, chiều 11/12, tại thành phố Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024.
Tham dự Lễ hội có ông Nguyễn Đức Tuy- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ II, năm 2024; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các đại biểu tham dự khai mạc Tuần Văn hóa- Du lịch lần thứ V. Ảnh: Báo Kon Tum |
Lễ hội văn hóa đa sắc màu dân tộc với gần 1.000 nghệ nhân tham gia Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 với những màn trình diễn ấn tượng, tôn vinh di sản văn hóa, để lại trong lòng công chúng và du khách những ấn tượng sâu đậm.
Trong khuôn viên nhà rông Kon Klor giữa lòng thành phố Kon Tum, dưới hàng cây xanh ngát, mang đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên, các nghệ nhân đã trình diễn bằng lòng say mê nội tại của nhũng người con của buôn làng.
Từng tiếng cồng vang lên, tấu xen nhịp chiêng ta mới thấy được sự đa dạng của văn hóa truyền thống như: Tái hiện các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; trình diễn cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ truyền thống, hát dân ca các dân tộc.
Tiếp sau chương trình khai mạc, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và học sinh cùng tham gia diễu hành trên các tuyến đường của thành phố Kon Tum, gồm Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và Bà Triệu.
Theo đó, Lễ hội đường phố năm 2024 có chủ đề “Trải nghiệm văn hóa-Khám phá thiên nhiên”. Tham gia Lễ hội có 1.050 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và học sinh đến từ các Đội nghệ nhân của các huyện, thành phố, các đơn vị trường học, câu lạc bộ nghệ thuật-dân vũ, Đoàn Trung tâm VH-NT tỉnh An Giang và Đoàn lưu học sinh Lào-Campuchia.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội đường phố nhằm tạo không khí vui tươi và phấn khởi, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và du khách gần xa, góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và văn hóa các vùng miền của Việt Nam cũng như của các nước bạn Lào và Campuchia nói chung.
Các nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên và học sinh diễu hành trên các tuyến đường. Ảnh: Báo Kon Tum |
Tại Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024, Đoàn huyện Tu Mơ Rông có hơn 60 nghệ nhân tham gia biểu diễn các hoạt động văn hóa như: Trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; tái hiện lễ bắc máng nước của người Xơ Teng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng); giới thiệu nghi thức sinh hoạt truyền thống “Về miền Quốc bảo”; hòa tấu các nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng “Mừng nước về làng”, “Mừng chiến thắng”; trình diễn làn điệu dân ca “Anh gặp em trên rẫy”, “Nhớ mãi thác Siu Puông”, Tái hiện nghi lễ bắc máng nước (kneang tea) của người Xơ Teng.
Theo Nghệ nhân A Ngụ (Đoàn huyện Tu Mơ Rông) cho biết, đây là lần đầu tiên tôi tham gia sự kiện lớn của tỉnh và thi trình diễn kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Phần thi chỉnh âm cồng chiêng là hoạt động rất ý nghĩa để nghệ nhân các DTTS tỉnh Kon Tum có thể học hỏi, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm chỉnh chiêng. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng nói chung và nghề chỉnh chiêng nói riêng, Nghệ nhân A Ngụ cho biết.
Cũng tại nhà rông Kon Klor, Đoàn nghệ nhân huyện Ngọc Hồi đã mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm thú vị, cùng hòa mình vào những màn trình diễn cồng chiêng, xoang và bản hòa tấu nhạc cụ truyền thống, hát dân ca của cộng đồng người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y.
Các nghệ nhân tham gia trình diễn cồng chiêng. Ảnh: Nay Sắt |
Nghệ nhân A Mưu (Đoàn huyện Ngọc Hồi) vui mừng cho biết: Chúng tôi lần đầu tiên được trình diễn trong không gian nhộn nhịp, đông người qua lại thế này. Càng đông người xem, chúng tôi càng hăng say tấu lên những bài nhạc, đánh lên những nhịp chiêng thật vang, nhịp nhàng để mọi người biết đến, không chỉ là âm nhạc mà còn là văn hóa người Brâu hay như thế nào. Với sự kiện lần này, chúng tôi mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa, những phong tục truyền thống của người Brâu để giao lưu, học hỏi với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh.
Em Hà Anh Tuấn (SN 2010, dân tộc Brâu) - thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn huyện Ngọc Hồi - vui vẻ nói: Em được ông, bà trong đoàn tạo cơ hội đi trình diễn để học hỏi. Em cảm thấy rất vui vì được gặp nhiều người và được giới thiệu về văn hóa dân tộc”.
Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng là hoạt động đa màu sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc anh em gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, địa phương mình, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Kon Tum đa sắc tộc, đa dạng về văn hóa.