Đường tránh đèo Mang Rơi được đưa vào sử dụng nhằm tránh sự nguy hiểm của con đường đèo Mang rơi cũ cho người dân đi vào huyện Tu Mơ Rông.
Đường tránh đèo Măng Rơi (thuộc quốc lộ 40B) là tuyến đường huyết mạch nối liền giao thông giữa huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và đi thành phố Tam Kỳ, Quãng Nam, với tổng chiều dài 15km, nhưng từ đầu năm đến nay đã có tới 3 lần bị sạt lở nghiêm trọng. Cắt đứt giao thông khiến người dân đi qua đoạn đèo này mỗi khi sạt lở khiến họ phải đi vào đèo Mang rơi cũ.
|
Hàng trăm mét đường bị hàng nghìn m3 đất đá sạt xuống mỗi khi trời đổ mưa lớn làm giao thông tê liệt. |
Dự án tuyến đường tránh đèo Măng Rơi được khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 6/2016. Công trình với mục đích giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia lưu thông giữa hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông và đi xuống tỉnh Quãng Nam.
Tính đến nay, mới được 1 năm nhưng tuyến đường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Chỉ cần có một trận mưa lớn,hàng trăm khối đất, đá sạt lở tràn xuống đường tránh đèo Măng Rơi, làm cho các phương tiện không thể qua lại đường đèo này.
Dự án tuyến đường tránh đèo Măng Rơi có tổng chiều dài trên 15km, được thiết kế với quy mô bề rộng mặt đường 5,5m, lề đường mỗi bên rộng 1m; mặt đường bê tông nhựa hạt trung dày 7cm. Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 543 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đơn vị thi công là Công ty xây dựng Tuấn Dũng có trụ sở tại tỉnh Kon Tum.
|
Từ con đường được đánh giá là huyết mạch, nhưng giờ đây là nỗi sợ hãi sạt lở đối với người dân đi qua đây. |
Tuyến đường tránh đèo Măng Rơi cắt qua nhiều đoạn núi cao, vực sâu, có đoạn ta luy dương cao hơn 50m, địa chất một số vị trí trên ta luy dương là đá phong hóa, nguy cơ xuất hiện cung trượt bất cứ lúc nào. Thực trạng cho thấy, sau khi đường tránh đèo được thi công xong và đưa vào sử dụng, thường xuyên xảy ra các điểm sạt lở vào mùa mưa, lượng đất, đá tràn vào lòng đường nhiều, rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông qua lại khu vực này.
Một số người tham gia giao thông qua lại trên truyến đường này, cho biết: Đường tránh đèo Măng Rơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Có hôm, mới chiều hôm trước về thì không sao nhưng đến sáng hôm sau đi lại đường đã bị tắc, không đi được vì sạt lở. Thời tiết khu vực này hay mưa vào buổi chiều, có lúc mưa kéo dài đến tối nên nạn sạt lở thường xảy ra vào ban đêm, thời điểm ít có người và phương lưu thông trên đường.
Hiện tại đường sạt lở nhưng hai đầu đường không có biển báo cho các phương tiện không nên đi qua khi chưa khắc phục được tình trạng này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài N. - Kỹ sư cầu đường về cầu đường tại Kon Tum, cho biết: “Hiện tượng xuất hiện cung trượng tại ta luy dương trên một số tuyến đường tại miền núi thường xảy ra nhưng đối với tuyến đường mới đưa vào sử dụng mới một năm mà xảy ra nhiều điểm sạt lở như vậy thì cần phải kiểm tra lại”.
“Nguyên nhân có thể là do kết quả đánh giá địa chất hai bên tuyến chưa chính xác, dẫn đến phương án chọn để thiết kế độ dốc mái ta luy dương chưa phù hợp, cũng có thể độ dốc mái ta luy dương thi công chưa đạt và còn rất nhiều nguyên nhân khác, để biết chính xác thì phải làm bài toán kiểm tra, tính toán. Công tác hoàn thiện của dự án là tuyến đường tránh đi qua đèo dốc quanh co đầy nguy hiểm mà để lại nhiều đá tảng treo lơ lửng như vậy thì không thể chấp nhận được”, kỹ sư này cho hay.
|
Máy múc và một số xe múc đất tạm chứ huyện vẫn chưa đấu giá chọn nhà thầu khắc phục đường để dân đi lại. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Mười – Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đường tránh đèo mới được hoàn thành, có nhiều điểm hay sạt lở nên cứ có mưa lớn thì không thể tránh khỏi việc sạt lở. Đơn vị thi công tuyến đường tránh đèo Măng Rơi thuộc Công ty xây dựng Tuấn Dũng. Về phía UBND tỉnh cũng bố trí nguồn vốn riêng cho việc san ủi, khắc phục những điểm sạt lở. Hiện nay chúng tôi đang thông báo đấu giá để tìm nhà thầu nhằm khắc phục sự cố sạt lở”.
Huyện Tu Mơ Rông là huyện mới thành lập đa số các cán bộ, công chức ở đây có nhà ở thành phố Kon Tum và một số huyện gần gần quốc lộ 14, trước đây khi chưa có con đường mới này thì cán bộ, công chức và người dân đi lại ở đèo cũ rất cao và dốc nên nguy hiểm rình rập. Nay có đường mới ít dốc nguy hiểm hơn, an toàn hơn thì giờ đây mọi người dân đi qua đây đang đối mặt với nỗi lo sạt lở bất cứ lúc nào.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.