Theo luật sư, trách nhiệm trong việc để tồn tại các “khu phố nước ngoài” trên lãnh thổ Việt Nam thuộc chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp huyện (quận).
Trên địa bàn các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,.. thời gian gần đây xuất hiện, hình thành các khu phố các cửa hiệu, nhà hàng trưng toàn biển hiệu bằng tiếng nước ngoài. Làm cho những ai đi vào khu phố này ngỡ như mình đi lạc vào nước ngoài chứ không còn ở trên lãnh thổ Việt Nam nữa.
|
LS Trương Anh Tú trao đổi với phóng viên về tình trạng loạn "khu phố nước ngoài" trên lãnh thổ Việt Nam. |
Điều đáng quan ngại, các biển hiệu luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho chữ ngoại, trong khi chữ tiếng Việt thì hoàn toàn lép vế, có những biển hoàn toàn không có dòng tiếng Việt nào. Liệu việc trưng biển hiệu toàn tiếng nước ngoài như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?
Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
"Các cửa hiệu, nhà hàng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu của mình là trái quy định tại Điều 18 Luật quảng cáo. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 52 Nghị định 158/2013/NĐ-Cp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lich và quảng cáo, với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm", LS Trương Anh Tú nhấn mạnh. |
Theo luật sư Trương Anh Tú, Điều 18 Luật quảng cáo 2012 về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo có quy định rõ: 1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau: Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt; Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
Tại khoản 2 điều này cũng cho rằng: Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
|
Một nhà hàng "Hàn Quốc hóa" ở khu đô thị Ba Đình - Mễ Trì |
|
Những biển hiệu sai quy định giữa lòng thủ đô |
Như vậy, việc các cửa hiệu, nhà hàng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu của mình là trái quy định tại Điều 18 Luật quảng cáo. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 52 Nghị định 158/2013/NĐ-Cp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lich và quảng cáo, với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm.
Để xảy ra tình trạng các cửa hiệu, nhà hàng trưng biển hiệu bằng tiếng nước ngoài dẫn tới hình thành các “khu phố nước ngoài” trên lãnh thổ Việt Nam là thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp huyện (quận) với sự hỗ trợ tham mưu của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật quảng cáo, được hướng dẫn tại Điều 28 Nghị Định 181/2013/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL hướng dẫn nghị định 181 thì Trách nhiệm của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện 1. Kiểm tra việc thực hiện quảng cáo trên địa bàn. 2. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật. 3. Phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn. 4. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
|
Biển hiệu sai quy định nằm ngay giữa đường vào trung tâm phường Đồng Kỵ, thị xã Bắc Ninh (Bắc Ninh) |
Do đó, UBND cấp huyện (Quận) cần chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện kiểm tra giám sát hoạt động trưng biển hiệu trên địa bàn huyện (quận) mình quản lý, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện thấy sai phạm. Yêu cầu các cửa hàng trong “khu phố nước ngoài” cần phải thay đổi biển hiệu phù hợp với quy định tại Điều 18 Luật quảng cáo, nếu tiếp tục sai phạm cần có biện pháp cưỡng chế tháo gỡ và báo cáo lên Sở văn hóa thể thao du lịch để có biện pháp xử lý tiếp theo để chấm dứt tình trạng này. Chúng ta cần xử lý ngay, không thể để tình trạng này tiếp diễn.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.