Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, phải hiểu rõ việc khai báo ngày "đèn đỏ" là "quyền" chứ không phải "nghĩa vụ" của chị em phụ nữ.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11.
Theo đó, lần đầu tiên chế độ nghỉ vào ngày “đèn đỏ” được luật hóa. Cụ thể, trong kỳ hành kinh, mỗi ngày chị em sẽ được nghỉ 30 phút, tối thiểu 3 ngày một tháng và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
|
Chế độ nghỉ vào ngày “đèn đỏ” được luật hóa (Ảnh minh họa) |
Ngay sau khi nghị định này được ban hành, dư luận đã hết sức quan tâm và bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng thời buổi hiện nay, vấn đề này cũng tương đối thoáng nên chuyện quan tâm tới chị em phụ nữ thời kỳ “đèn đỏ” là vô cùng thực tế.
Ngược lại, không ít người cũng bày tỏ sự lo lắng rằng làm sao kiểm tra được chị em có đang trong ngày “đèn đỏ” hay không, nếu người đã "mãn kinh" cũng xin nghỉ thì sao?
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), đây là một quy định mới, bổ sung các quyền của lao động nữ, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
|
Luật sư Cường cho rằng, cần phải hiểu rõ việc khai báo "ngày bí mật" đó là "quyền" chứ không phải là "nghĩa vụ" của chị em phụ nữ. |
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này trong thực tiễn phải tế nhị, linh hoạt để tránh xâm phạm bí mật đời tư và các quyền nhân thân khác, thậm chí hành vi quấy rối tình dục ở một mức độ nào đó.
Người quản lý lao động sẽ biết hết những "ngày bí mật" của chị em trong tổ chức của mình là ngày nào, chu kỳ ra sao. Vì vậy, có thể vì e ngại nên nhiều chị em sẽ từ bỏ cái quyền chính đáng.
Về mặt pháp lý, Luật sư Cường cho rằng, cần phải hiểu rõ việc khai báo "ngày bí mật" đó là "quyền" chứ không phải là "nghĩa vụ" của chị em phụ nữ.
Nếu người quản lý lao động bắt lao động nữ phải kê khai các ngày này trong trường hợp họ không muốn thì quy định đó sẽ xâm phạm quyền nhân thân, bí mật đời tư của chị em.
Mặt khác, để tránh trường hợp chị em đã ở thời kỳ mãn kinh mà vẫn khai báo ngày đèn đỏ để được nghỉ, luật sư Cường cho rằng nên có một quy định kèm theo về độ tuổi được hưởng quyền này.