Hơn 40 năm trôi qua, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không thể nào quên được hình ảnh má Sáu, tấm bản đồ "vô giá” giúp giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tháng 4 hào hùng năm ấy
Những ngày này cả dân tộc đang hướng về ngày tháng 4 lịch sử và năm nào cũng vậy, đó là thời điểm Thượng tướng Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu luôn nhớ về những ký ức của mình.
Thượng tướng Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, sư 320B, Quân đoàn 1 – một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975.
Và trong cuộc hành quân đó, trong gian khó, có những câu chuyện Tướng Hiệu không thể nào quên, đặc biệt là kỷ niệm về "Bà má Tham mưu" của Trung đoàn – người đã trao cho vị Trung đoàn Trưởng Nguyễn Huy Hiệu tấm bản đồ Đô thành để tiến vào Sài Gòn nhanh nhất.
|
Cứ mỗi dịp 30/4, lúc nào Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng luôn nhớ về má Sáu Ngẫu và thời khắc sinh tử của Đại thắng mùa xuân năm 1975 (Ảnh Văn Lịnh). |
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được mở ra với quyết tâm của toàn dân tộc sẽ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước trong 2 năm 1975 và 1976. Tướng Hiệu thời điểm đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, sư 320B, Quân đoàn 1, ông đã bắt đầu một cuộc hành quân thần tốc tiến tới Sài Gòn.
Trung đoàn 27 đã có những chuyến hành quân qua khói bụi, những buổi hành quân gian khó, nhưng khi nghe nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới Miền Nam thống nhất đất nước” thì dường như mọi mệt mỏi, mọi gian khổ đều cuốn theo làn khói bụi trên từng bước đường hành quân.
Và trong chuyến hành quân đó, khi dừng lại trước cửa ngõ Sài Gòn, Tướng Hiệu nhớ như in những ngày tháng 4 của hơn 40 năm về trước. Đúng 17 giờ ngày 29/4/1975, Trung đoàn 27 dừng lại ở Ngã tư Búng, chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu.
Trên khuôn mặt đầy sự hứng khởi của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bồi hồi nhớ lại: “Đêm ấy, khi các đồng chí đi trinh sát vào vòng vây của địch thì phát hiện có ánh sáng đèn. Nhận thấy không có điều bất thường các đồng chí trinh sát liền tiến về túp lều nhỏ trong làng và đứng ngoài hô mật khẩu “Hồ Chí Minh” qua khe cửa, đó là nhà của má Sáu Ngẫu, má nghe thấy mật khẩu của quân giải phóng, má mừng lắm, liền đáp lại “Muôn năm”! Nhận ra quân Giải phóng, má mở cửa, cầm tay các chiến sĩ kéo vào trong nhà và đóng cửa lại. Dưới ánh đèn dầu, anh Hiệu và anh Thư liền đưa tấm bản đồ chỉ huy đặt lên bàn. Má đeo kính nhìn mãi không ra”.
|
Tướng Hiệu may mắn khi được má Sáu Ngẫu trao tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn (ảnh NVCC). |
“Lúc đó, má bảo: “Má không rành tấm bản đồ này, để má vào buồng lấy tấm bản đồ đô thành Sài Gòn mà má đã ghi lại từng địa điểm địch bố trí quân. Má chỉ cho các anh nắm rõ từng vị trí của địch để khi tấn công, ta có thể chủ động. Những điểm má đánh dấu bắt đầu từ búng Lái Thiêu trên trục đường 13 (mà địch gọi là đường Đại Hàn) để thọc sâu vào Sài Gòn”.
Má bảo: “Sáng mai khi tấn công, không cần đánh vào trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Ở đó, có khoảng 2.000 tên đang rất hoang mang tư tưởng. Cần đánh thẳng, chiếm cầu Vĩnh Bình, vào Gò Vấp, Lục quân công xưởng, Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Tổng y viện cộng hòa, Căn cứ 25, 26 truyền tin…”.
Lúc đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và anh Thư hỏi má những nơi địch cài mìn, đặt vật cản nhiều nhất để khi tấn công sẽ hạn chế được thương vong tổn thất. Rồi, má trao lại tấm bản đồ của má cho Trung đoàn Trưởng Nguyễn Huy Hiệu để tiến vào Sài Gòn.
Giây phút lịch sử
Sáng ngày 30/4, quân ta tiến công bằng bộ binh cơ giới, má bảo má và hai con của má cùng đi trên xe để dẫn đường. Nhưng trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu nói: "Thưa má, chúng con cảm ơn má và hai em, nhưng hai em Đức và Phước còn nhỏ, má thì lớn tuổi rồi, để Hai Mỹ và Sáu Châu lên xe dẫn đường cho chúng con.Đánh xong, chúng con sẽ quay về thăm má”.
Trong trận tấn công ấy chỉ có hướng đi qua cầu Vĩnh Bình nhưng địch tử thủ rất quyết liệt. Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27, có Đại đội xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc phối thuộc cho Trung đoàn 27.
|
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng cô Hai Mỹ trên xe tăng tiến vào Sài Gòn (ảnh NVCC). |
Lúc đó, toàn đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng để dành với quân địch từng mét đường tiến qua cầu Vĩnh Bình vào giải phóng Sài Gòn. Trong trận này, đồng chí Hoàng Thọ Mạc nhảy xuống xe chỉ huy bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch để quân ta tiến qua cầu.
Chiến tranh có nhiều sự mất mát, hi sinh, và trận đánh ấy, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh (với những chiến công ấy, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau chiến dịch).
Chớp thời cơ địch đang hoảng loạn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu lúc đó hạ lệnh cho bộ binh, xe tăng tiến thẳng vào đánh chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp Ngụy ở Gò Vấp và Lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa sau đó cùng với các đơn vị bạn đánh chiếm các mục tiêu còn lại.
Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, đơn vị bạn đã cắm cờ lên Dinh độc lập và khắp Sài Gòn, cả thành phố ngập sắc cờ đỏ sao vàng và hát vang bài ca chiến thắng.
Kho báu quý giá
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu mở tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu ra cho anh em trong trung đoàn xem. “Lúc đó, ai cũng bảo chữ má đẹp quá, sau này tôi mới biết má Sáu là giáo viên dạy tiếng Pháp của một trường tiểu học ở Sài Gòn. Gia đình má di cư từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào trong đó từ hai chục năm trước”, Thượng tướng Nguyễn Huy hiệu chia sẻ.
Ngay chiều hôm ấy (ngày 30/4/1975), Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số anh em dùng chiếc xe Jeep trở lại Lái Thiêu thăm và cảm ơn má Sáu như đã hứa. Má Sáu cùng nhiều bà con Lái Thiêu ùa ra đứng quanh chiếc xe chào đón những người lính giải phóng. Má và bà con hái tặng các chiến sĩ quân giải phóng nhiều trái cây.
Tấm bản đồ đó được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu gìn giữ rất cẩn thận và sau này ông trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Hiện nay tấm bản đồ không còn được nguyên vẹn nhưng đó vẫn là kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời chiến đấu của Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng và người Trung đoàn trưởng năm xưa là Viện sĩ - Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.
Chính tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giành lại độc lập dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
|
Tướng Hiệu trong một buổi tặng sách "Vị tướng có duyên với con số 7" do nhà báo Lục Hường (ngoài cùng bên phải) biên soạn đến với độc giả (Ảnh Văn Lịnh) |
Sau này, cứ đến dịp 30/4, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại không thể nào quên được hình ảnh người má miền Nam cùng với tấm bản đồ chỉ đường vô giá ấy. Tháng 8/1989, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang đi công tác nước ngoài thì nhận được tin má mất. Khi về, ông đã nhờ người khắc bia đá ở Thanh Hóa, rồi tự tay mang vào Bình Dương và cùng gia đình xây phần mộ cho má.
Tấm bia ấy khắc dòng chữ: “Đại đoàn Đồng Bằng, Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng. Ghi ơn má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho trung đoàn vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975”.
Trong những gian khó của chiến tranh, có những người dân nhỏ bé góp công sức mình vào ngày cả đất nước được hưởng độc lập, được toàn vẹn lãnh thổ. Và Tướng Hiệu chưa bao giờ quên những con người như thế trong hành trình cuộc đời của mình.