Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng với những ai đã trải qua những tháng năm hào hùng của dân tộc, chắc chắn sẽ không thể quên được cảm xúc về những ngày tháng 4 lịch sử.
Nhân dịp này, PV báo LĐTĐ đã có cuộc trò chuyện với Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên: Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên; Tham mưu phó quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh… người trực tiếp tham gia và tận mắt chứng kiến những giờ phút Bắc - Nam sum họp, nước non liền một dải.
|
Tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975. (Ảnh: T.L) |
PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, là nhân chứng có mặt ở Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, ông có cảm xúc gì về những khoảnh khắc thiêng liêng, hào hùng của dân tộc?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Gần một nửa thế kỷ đã qua, nhưng có lẽ tất cả mọi người dân Việt Nam nhắc đến ngày ấy thì không ai không nhớ đến một cái sự tích oai hùng của cả dân tộc.
Đặc biệt, đối với những người như chúng tôi, những người trực tiếp đã từng chiến đấu trong thời khắc đó thì không bao giờ có thể quên.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên được mở đầu vào tháng 3/1975 là sự kiện mở đầu quan trọng nhất.
Lúc bấy giờ tôi là Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, sau 14 ngày đêm ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, đập tan tập đoàn chiến lược Quân khu 2, Quân đoàn 2 của Ngụy trên chiến trường Tây Nguyên, qua đó thừa thắng về giải phóng 3 tỉnh của đồng bằng trung du là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Nếu tính từ lúc mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc tấn công năm 1975 từ 10/3 -30/4/1975 tức là gần 50 ngày đêm, chúng ta đã hoàn toàn đập tan hệ thống của đối phương để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đánh giá về thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói “một ngày bằng hai mươi năm”.
Theo tôi nghĩ nói “một ngày bằng hai mươi năm” với ý nghĩa là “hai mươi năm để có một ngày”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1955, cho đến năm 1975 là hai mươi năm.
Hai mươi năm của cuộc trường chinh dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của quân đội nhân dân Việt Nam do Bác Hồ và Đảng ta sáng lập, rèn luyện…
Nhân đây, cũng nhấn mạnh một điều cho đến ngày 30/4/1975, sau hai mươi năm đối đầu với đế quốc Mỹ, một cuộc đối đầu lịch sử và các bạn bè trên thế giới chưa ai có thể nghĩ Việt Nam có thể làm được như vậy.
Lúc bấy giờ, khi Mỹ vào, các đồng chí của chúng ta đều khuyên chúng ta nên thống nhất đất nước bằng con đường khác nhưng chúng ta vẫn quyết giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thắng lợi này bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” ý chí đó đã thôi thúc toàn dân tộc để quyết tâm dù gian khổ đến mấy cũng phải giành cho được độc lập thống nhất đất nước, đó là ý nghĩa quan trọng nhất
Hơn 42 năm đã trôi qua, khoảng khắc nào khiến Trung tướng nhớ nhất trong thời khắc lịch sử đó?
Cảm xúc lớn nhất là cảm xúc trong những giờ phút giải phóng, đó là ta thắng, dân ta đã thắng, địch tan rã và sự mất mát trước thời khắc hòa bình.
Trong suốt 50 ngày đêm ròng rã với cương vị là Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, Tham mưu phó quân đoàn 3, một trong những mũi tấn công chủ yếu để tiến vào Sài Gòn. Trong thời điểm đó, có rất nhiều cảm xúc trong bản thân những con người được chứng kiến giờ phút lịch sử.
Bên cạnh sự vui mừng đến vỡ òa của cả dân tộc, chúng tôi chính những người tham gia bản thân cũng hết sức ngỡ ngàng. Nói đúng hơn là sau hơn 20 năm theo đuổi, 50 ngày đêm kể từ chiến dịch Tây Nguyên, 4 ngày của chiến dịch Hồ Chí Minh đã bùng nổ một sự kiện ghê gớm như vậy.
Chúng tôi tin tưởng và biết rằng sẽ giải phóng, nhưng không ngờ chỉ sau 4 ngày. Cảm xúc đó, có lẽ cũng là cảm xúc của tất cả những người có mặt trong ngày 30/4/1975 tại thành phố Sài Gòn.
Trong niềm vui chiến thắng đó, hình ảnh đọng lại mạnh mẽ nhất trong tôi đó là tại khu vực trước cửa Sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực ngã tư Bảy Hiền.
Đây đều là những địa điểm giao tranh quyết liệt nhất, khi mà bộ đội ta với lá ngụy trang kín đầy, đang rầm rập tiến vào, xe tăng ta với xe tăng của địch, bộ binh ta với bộ binh của địch đối chọi trực tiếp với nhau.
Trước làn đạn của hai bên như vậy, nhân dân ta vẫn đứng ken đặc hai bên đường để đón chào người chiến sỹ của ta với cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng trong tay.
Tôi cũng nhìn thấy có những ông cụ, bà cụ đang bồng cháu khoảng 5, 6 tuổi trong tay nhưng vẫn vươn tay ra để nói với chúng tôi: “Các chú cho các cháu bắt tay các chú một tí”.
Hình ảnh cảm động này chính là tiêu biểu cho khát vọng, cho cảm xúc bùng nổ trong tình cảm của con người trong vùng địch với chiến sỹ giải phóng của ta.
Thêm nữa đó là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Trong khi một bên là người dân nô nức vẫy cờ xanh đỏ sao vàng ra đón bộ đội thì một bên là Ngụy quân đang tan rã với từng sóng người mang trên mình quần đùi áo may ô, đầu trần không đeo giầy, tay vẫy vẫy mảnh vải trắng đi ngược lại hướng hành quân của chúng tôi.
Không thể hình dung mới lúc nãy, đây là một đội quân còn được trang bị đến tận răng và vẫn còn hùng hổ lắm mà giờ đến như vậy… Tôi vẫn nghĩ, xem như đội quân chiến bại của Ngụy đang đón tiếp chúng tôi đi vào để giải phóng Sài Gòn.
Trung tướng có nhắc đến sự mất mát trước ngưỡng cửa hòa bình, xin Trung tướng nói rõ hơn về điều này?
Đúng vậy. Lúc chúng tôi hành quân qua ngã tư Bảy Hiền, thì bắt gặp 3 chiếc xe tăng của ta đang bùng cháy do bị hỏa lực trên cao của địch bắn xuống. Cả ba chiếc này tháp pháo đều đóng kín và trong đó là 15 người chiến sỹ, cán bộ của chúng ta.
Tôi vẫn nhớ lúc đó bà con đang tụ tập xung quanh tri hô chúng tôi “Các chú ơi, dừng lại cứu mấy chú trong xe tăng, họ đang ở trong chưa ra …!” nhưng trong cuộc chiến tranh lúc bấy giờ, người chỉ huy không bao giờ có thể dừng lại được mà phải vượt qua cái sự đau đớn đó.
Sau 10 năm chống Mỹ, quân đoàn 3 có trên 3 vạn liệt sỹ, tất cả đều đau thương cả nhưng có lẽ vì lúc đó, khi miền Bắc đã đang theo dõi tin giải phóng rồi, mấy trăm chiến sỹ đó, gia đình họ ở miền Bắc, cha mẹ, vợ con họ cũng đã nghe tin và đang ngóng chờ rồi. Có lẽ nếu cuộc chiến kết thúc trước chừng 30 phút thì họ sẽ được hội ngộ với gia đình.
Cho nên sự mất mát đó, sự hy sinh trước thời khắc hòa bình đã để lại cảm xúc đau thương nhất, nặng nề nhất đối với người chỉ huy, người đã đưa anh em đi chiến đấu trong nhiều năm và chỉ còn mấy mươi phút nữa là đến thắng lợi vinh quang của đất nước, của đơn vị.
Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát của dân tộc thì vẫn còn đó như lời nhắc nhở, vậy Trung tướng có nhắn nhủ gì tới thế hệ hôm nay, những người tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông để đưa dân tộc đến bến bờ phát triển thịnh vượng, an bình?
Cuộc chiến đã lùi xa, đất nước chúng ta đã có hòa bình nhưng chưa thực sự có một ngày bình yên. Sứ mệnh mà dân tộc đã giao cho thế hệ của chúng tôi, chúng tôi đã hoàn thành.
Còn sứ mệnh sau này, để tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng, để đưa đất nước tiếp tục tiến lên ngang hàng các nước trên thế giới, để không bao giờ có thể trở lại một cuộc đổ máu như trước đây nữa thì trách nhiệm đó thuộc về tầng lớp thanh niên hôm nay.
Mong rằng, dưới ngọn cờ của Đảng các thế hệ thanh niên hôm nay nhận thức được trọng trách mà truyền thống của dân tộc với hơn 4.000 năm lịch sử, 30 năm chiến thắng hai cuộc chiến đặt lên vai của các bạn.
Tin rằng chỉ cần giữ được ý chí quyết tâm, truyền thống luôn bất khuất trước mọi kẻ thủ, bất khuất trước mọi khó khăn của dòng máu Lạc Hồng, trong một tương lai không xa Việt Nam sẽ sánh ngang hàng các nước trên thế giới.
Xin cám ơn Trung tướng vì cuộc trò chuyện.