Ngày 5/5, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy 190 tấn rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 11 (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội cho biết, từ tháng 12/2016 - 4/2017, đơn vị đã kiểm tra 813 vụ, tạm giữ tịch thu hơn 40.000 lít rượu đóng chai và 3.327 chai rượu ngoại các loại với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 1,8 tỷ đồng.
Riêng một tháng cao điểm xử lý sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng (16/3-15/4) về hàng loạt vụ ngộ độc rượu, QLTT Hà Nội đã kiểm tra 408 vụ, tạm giữ 11.124 lít và 814 chai rượu các loại với tổng trị giá trên 358 triệu đồng, phạt các cơ sở kinh doanh, sản xuất hơn 843 triệu đồng.
|
Số lượng rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc bị thu giữ. |
Lực lượng chức năng đã phạt các cơ sở, tổ chức sản xuất, buôn bán hơn 1,6 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
“Đây là đợt tiêu hủy số lượng rượu lớn nhất từ trước tới nay ở Hà Nội với nhiều loại rượu lậu, không rõ nguồn gốc, rượu ngâm thảo mộc, rượu nhập đắt tiền số lượng hàng nghìn chai” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với sản phẩm rượu thủ công, khó phân biệt với rượu công nghiệp, chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm rượu thủ công, đặc biệt là các loại rượu thủ công ngâm thảo dược, hoa quả (như: táo mèo, ba kích, tỏi đen, đông trùng hạ thảo…) nên dẫn đến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn hơn.
Đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại các làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, thường kết hợp với chăn nuôi với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế.