Đã 2 năm kể từ khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ được thực hiện. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ở nhiều tuyến phố của Hà Nội, vỉa hè vẫn không thuộc về người đi bộ.
|
Vỉa hè Hà Nội vẫn bị lấn chiếm |
Vỉa hè biến thành lòng đường, chợ cóc
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên phố Ngọc Khánh khiến một cụ già tử vong vào những ngày đầu năm 2019 khiến không ít người bàng hoàng. Nhìn lại vụ tai nạn, nhiều người thảng thốt nhớ lại câu hỏi: Đường nào dành cho người đi bộ? Khi mà từng ngóc ngách của vỉa hè đều bị lấn chiếm với nhiều mục đích khác nhau thì người đi bộ chỉ còn lối đi duy nhất là lòng đường.
Dẫn chứng như ở đường Nguyễn Chí Thanh, sau nhiều ngày quan sát, từ khu vực chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh đến đoạn giao với đường Huỳnh Thúc Kháng, tình hình giao thông rất lộn xộn, nhiều xe máy “leo” lên vỉa hè khiến khu vực này không khác nào làn đường thứ hai.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra khu vực cổng trường Đại học Thương mại trên đường Hồ Tùng Mậu. Tại đây, người đi bộ, xe máy “tranh giành” nhau từng mét vỉa hè để di chuyển. Lê Minh Anh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Tầm giờ cao điểm mọi người đi làm, đi học đông, đường lại chật nên người đi xe máy cũng lên vỉa hè đi, thành ra người đi bộ như bọn mình luôn phải chen chúc với xe máy như thế này”.
Không may mắn như Minh Anh, Quốc Anh đã từng trở thành nạn nhân của những chiếc xe máy đi trên vỉa hè. Quốc Anh cho biết, tầm giờ tan tầm buổi chiều khi đang đi trên đường Khuất Duy Tiến thì bị một chiếc Air Blade tông thẳng vào chân: “Hôm đó đường rất đông, mình đã cố đi nép hẳn vào vỉa hè phía trong nhưng không hiểu sao vẫn bị xe đâm. May mà vết thương không quá nặng, sau lần đó đến giờ, dù đi trên vỉa hè nhưng mình vẫn nơm nớp lo sợ”, chàng trai kể lại.
Tình trạng vỉa hè thành lòng đường còn diễn ra ở rất nhiều tuyến đường khác như Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Xuân Thủy, Cầu Giấy… không khó để bắt gặp cảnh xe máy chạy trên vỉa hè. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Việc vỉa hè biến thành đường giao thông không phải vấn đề mới ở các đô thị.
Nguy hiểm hơn khi ở nhiều tuyến đường, vỉa hè ngày càng bị xuống cấp, sụt lún, xuất hiện nhiều gạch đá lởm chởm, ổ gà gồ ghề, ảnh hưởng lớn đến người đi bộ và mĩ quan đô thị. Tại Hà Nội, vỉa hè không chỉ hóa thành lòng đường mà còn trở thành nơi kinh doanh, buôn bán của hàng nghìn người.
Chẳng hạn như đường Đê La Thành, vỉa hè là nơi trưng bày các tủ, kệ, đồ gỗ, thậm chí có những nơi còn là “xưởng” sản xuất của các hộ buôn bán nơi đây.
|
Không còn lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè |
Tương tự, tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất như đường Láng, hay phố Chùa Láng, Cầu Giấy, Chùa Bộc… vỉa hè bị các cửa hàng trưng dụng thành bãi đỗ xe cho khách hàng. Vào những ngày các cửa hàng giảm giá, lượng khách đến đông, nhiều xe còn được để cả dưới lòng đường, khiến người đi bộ phải khổ sở tìm lối đi.
Một người đi bộ bức xúc: “không biết các nhà buôn bán ở đây làm cách nào mà được lấn chiếm vỉa hè như vậy, người đi bộ như chúng tôi đây thì bị đi xuống lòng đường, nguy hiểm vô cùng”.
Một điển hình khác của việc lấn chiếm vỉa hè là các quán cà phê, quán cóc, hàng rong tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh. Ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, trên các tuyến phố đông đúc như Hàng Bồ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Đinh Liệt, Tạ Hiện..., bàn ghế, quầy hàng, xe máy lại được bày la liệt trên vỉa hè bất chấp hàng loạt các biển cấm bán hàng được đặt dày đặc trên các phố.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan diễn ra nhiều nhất là vào buổi chiều tối, khi mà lượng khách đến đông, tất cả các quán ăn, quán nhậu ngang nhiên bày bán trên vỉa hè, thậm chí để xe xuống cả lòng lề đường.
Nói về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, một chủ quán chia sẻ: “Vỉa hè là nơi kiếm cơm của gia đình tôi cả chục năm nay rồi, nhờ mấy mét vuông vỉa hè mà con cái tôi được đi học, mẹ già ở nhà có tiền mua thuốc. Tôi biết nhà nước cấm bán hàng trên vỉa hè nhưng cũng không còn cách nào khác”.
Vẫn là “bệnh nan y”
Tháng 3/2017, Hà Nội đã tiến hành ra quân dọn vỉa hè, xử lý những vi phạm hoạt động và công trình lấn chiếm vỉa hè một cách rất quyết liệt. Nhiều quận huyện, nhất là ở khu vực nội đô, lực lượng chức năng đã kiên quyết phá bỏ những công trình của các hộ dân lấn chiếm, yêu cầu để phương tiện giao thông đúng nơi quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán trái phép trên vỉa hè địa bàn toàn thành phố.
Hai năm sau ngày ra quân ấy, vỉa hè Hà Nội lại bị tái chiếm. Có thể nói, việc dọn dẹp, xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè không phải là việc làm theo các chiến dịch mà cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Thực tế đã chứng minh, công tác đảm bảo trật tự đô thị, đặc biệt là việc dẹp loạn trên vỉa hè vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Nhìn ở một góc độ khác, vỉa hè gắn liền với sinh kế của nhiều người lao động nghèo. Những lao động ở tỉnh lên Hà Nội thường bám vào góc vỉa hè để mưu sinh. Vi phạm lấn chiếm vỉa hè xảy ra có một phần nguyên nhân là do một bộ phận ý thức của người dân chưa tốt, không chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, một phần khác cũng do các cơ quan chức năng sở tại vẫn để tồn tại tình trạng cả nể, thiếu cứng rắn, kiên quyết trong xử lí vi phạm, từ đó vô tình tiếp tay cho người dân vi phạm.
Trên thế giới, vỉa hè được coi là “công thổ quốc gia”. Nghĩa là vỉa hè do Nhà nước quản lý và chỉ dành cho người đi bộ. Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội vẫn là một căn bệnh nan y và đang gây những hệ lụy khôn lường cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Thiết nghĩ các nhà quản lý cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết gốc rễ của vấn đề, làm sao để bố trí sử dụng vỉa hè khoa học và được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, để người đi bộ được thoải mái đi trên phần đường của mình.