Những cánh tay cẩu dài cả chục mét, nặng hàng chục tấn vẫn ngày ngày lơ lửng treo trên đầu người dân, không biển báo, hoạt động bất kể ngày đêm.
Tại Hà Nội, ở các khu vực thuộc địa phận quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm là những nơi có mật độ thi công các công trình nhà cao tầng dầy đặc.
Tại đây xuất hiện rất nhiều chiếc cần cẩu làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa tại các công trình. Những cần cẩu tiềm tàng mối hiểm họa đối với người dân đi đường.
Mỗi khi đi qua những khu vực có cần cẩu hoạt động, không ai là không cảm thấy lo lắng giống như "thần chết" đang ngự ở trên đầu, sẵn sàng gây nguy hiểm cho tính mạng của mình bất cứ lúc nào.
|
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm tại Hải Phòng ngày 18/11 do cần tháp gây ra. |
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng cần trục tháp như: Đứt cáp, rơi vật liệu trong lúc đang cẩu, đổ cần trục tháp… những sự cố này đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng đưa lên cao, chủ đầu tư thường sử dụng những cần trục tháp có trọng tải nặng tới hàng chục tấn, chiều cao từ 160-200m, chiều dài 70-80m.
Để giữ thăng bằng cho những chiếc cần cẩu này, những khối bê tông nặng hàng tấn được cố định phía đuôi “cánh tay sắt”. Nhìn những cánh tay cần cẩu dài nhưng được bố chí rất đơn sơ, gồng trên mình hàng tấn hàng hóa, vật liệu, khiến nhiều người không khỏi cảm thấy mất an toàn với thiết bị này.
|
Một chiếc cẩu tháp thuộc công trình trên đường Dương Đình Nghệ vươn tay chiếm gần hết lòng đường. |
Để quán triệt tình hình trạng nguy hiểm, mất an toàn của cần cẩu tháp, Thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị 08/CT-UBND về việc quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng công trình.
Theo đó các cơ quan chuyên môn cùng nhà đầu tư và các đơn vị thành viên của mình thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng, quản lý, vận hành… cần cẩu tháp theo đúng quy định.
Việc sử dụng cẩu tháp, phải trong phạm vi vùng ảnh hưởng, nguy hiểm khi cần trục tháp hoạt động cần phải được quy hoạch, cùng các biện pháp cảnh báo để tránh gây tai nạn, một số giải pháp được đề ra là cho phép loại cẩu này hoạt động sau 22h đêm đến 5h sáng hôm sau, phải có rào chắn, có cảnh báo cho người dân và có người canh gác…
Tuy nhiên, dường như chuyện dường như chỉ là hình thức. Theo quan sát của của phóng viên PhapluatPlus, những chiếc cẩu tháp trên đường Xuân Thủy, đường Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, đường Dương Đình Nghệ, đường Nguyễn Phong Sắc…., vẫn vô tư vươn những cánh tay “tử thần” ra ngoài đường.
Bất kể thời gian nào trong ngày, không có bất kỳ biển cảnh báo được dựng lên, việc rào chắn công trường hết sức thô sơ... Nhìn những khối trụ trọng lực với những khối bê tông khổng lồ, được lắp đặt rất đơn giản, lơ lửng lượn qua lượn lại trên đầu người tham gia giao thông khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Clip: Cần cẩu vô tư vươn ra đường
Chị Đỗ Thị Trang, một người dân sống gần khu vực cầu giấy cho biết:“ nhiều khi đến cơ quan, phải đi qua những chiếc cẩu tháp này, tôi cảm thấy rùng mình, những chiếc cần cẩu vắt ngang qua đường giữa lúc đông người không muột chút cảnh báo, đi qua tôi thường phải cố ngước nhìn xem chiếc cần cẩu có biểu hiện gì không rồi tôi mới phóng xe qua thật nhanh".
Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin.