Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, qua số liệu tổng hợp từ các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trong năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc, trong đó có 53 vụ việc thụ lý mới, tăng 11 vụ so với năm 2015. Theo đó, đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường và có hiệu lực pháp luật đối với 44 vụ việc, đạt tỷ lệ 41,9%.
Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý giải quyết 30 vụ án dân sự, có 16 vụ án thụ lý mới, theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, trong đó đã giải quyết xong 16 vụ việc.
Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là hơn 53,6 tỷ, tăng hơn 11,3 tỷ đồng so với năm 2015.
Kết quả giải quyết bồi thường năm 2016 cho thấy, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thực hiện nghiêm túc hơn, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ, giải quyết bồi thường đúng pháp luật. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh đã được giải quyết dứt điểm, bù đắp, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, giải tỏa phần nào những bức xúc, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, một số vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, ông Trần Văn Thêm… được các cơ quan chủ động giải quyết.
Với chức năng được giao, năm 2016, Cục Bồi thường nhà nước đã đổi mới phương pháp phối hợp quản lý về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường.
Cụ thể, thay vì yêu cầu TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành lập danh sách vụ việc bồi thường như các năm trước, thì Cục đã chủ động lập danh sách các vụ việc giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên cơ sở các nguồn thông tin gửi TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành liên quan để rà soát và thống nhất, làm cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, tổ chức các cuộc họp liên ngành bàn biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm như vụ việc bà Trần Thị Tin, vụ việc liên quan đến Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội…
Tuy nhiên, Cục Bồi thường nhà nước đánh giá, số liệu về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường năm 2016 chưa phản ánh đúng thực chất tình hình vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Việc giải quyết xong dứt điểm các vụ việc bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án đều thấp hơn so với năm 2015 (đạt tỷ lệ 41,9%, giảm 1,7% so với năm 2015).
Hơn nữa, có sự gia tăng vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả giải quyết bồi thường và khởi kiện ra tòa án (có 30 vụ, tăng 9 vụ so với cùng kỳ).
Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại còn chậm và đạt tỷ lệ thấp cả về vụ việc (5 vụ việc) và về giá trị tiền (gần 60 triệu đồng) làm cho tác dụng răn đe, giáo dục trong xử lý trách nhiệm người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung chưa cao.