Tỉnh uỷ Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW (Chỉ thị 38)của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.
|
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: UBND tỉnh Gia Lai) |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/09/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, ngày 20/10/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU để chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ và 02 chương trình hành động thực hiện, hàng năm đưa chỉ tiêu BHYT để chỉ đạo trong toàn Đảng bộ tỉnh. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành 08 Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng trên địa bàn; đồng thời UBND tỉnh Gia Lai cũng đã cụ thể hóa thành các quy định, phân công, giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành và các huyện, thị thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia BHYT có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng KCB BHYT từng bước được nâng lên, người dân từng bước nhận thức được quyền lợi khi tham gia BHYT, được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn, do đó số người tham gia BHYT tăng qua từng năm, nếu như năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 38, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt 69,36% thì đến hết năm 2023 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số của tỉnh; đảm bảo việc KCB BHYT cho người dân với tổng chi phí KCB năm 2009 trên 122 tỷ thì đến năm 2023 trên 885 tỷ đồng cho trên 658 ngàn lượt vào năm 2009 và trên 1,72 triệu lượt vào năm 2023. Quyền lợi trong việc khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nhất định, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững; chất lượng KCB tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh, tinh thần phục vụ người KCB bằng BHYT của một số cán bộ, nhân viên y tế chưa tốt, ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia; tần suất KCB BHYT còn thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc; tình hình chậm đóng BHYT vẫn còn tồn tại, có đơn vị không tham gia BHYT cho người lao động hoặc không trích đóng, để nợ đọng kéo dài…
Theo đó, nhiều ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp, cách làm, mô hình hiệu quả trong thực hiện chính sách BHYT; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; vai trò cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; công tác tham mưu triển khai chính sách BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số,... Đồng thời, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành trong việc ban hành chính sách, tiếp tục quan tâm, triển khai tốt BHYT, góp phần đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lia Châu Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đã đạt được trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 và Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới trong điều kiện hiện nay của tỉnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, đòi hỏi phải thực hiện chính sách BHYT bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, không những đạt độ bao phủ số người tham gia mà còn cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng thời, ông cũng giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai chủ trì, phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Trung ương; những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, nghiên cứu chỉ đạo tháo gỡ, nếu vượt thẩm quyền tham mưu, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.