Ở vào cái tuổi 80 nhưng có đến hơn 70 năm làm bạn với nghề chế tác đá, ông Nguyễn Văn Củng là một trong số ít những người thợ giỏi và thành công của làng Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
|
Anh Trọng bên một tác phẩm điêu khắc đá của mình. |
Người thợ khắc chữ Nho giỏi nhất vùng
“Gia đình chúng tôi biết ơn núi Trầm lắm. Nhờ có núi mà cách đây chừng 200 năm, giai đoạn mà cuộc sống người dân còn nhiều đói nghèo thì cái nghề đã giúp chúng tôi biến những mảnh đá vô tri thành cơm trắng để vượt qua cơn bĩ cực của cuộc đời”- ông Nguyễn Văn Củng bắt đầu kể về nghề, cũng là cái nghiệp của gia đình mình bằng một lời tri ân như thế.
Ông Củng kể, từ nhỏ ông đã học cha cách cưa, rồi đục, rồi đẽo đá. Đến năm 10 tuổi thì ông được cha cho đi theo ra phố Hàng Mắm, khu phố cổ Hà Nội vừa chế tác đá vừa bán hàng. “Ngày ấy không giống như bây giờ, khách đến tận nhà mua hoặc đặt hàng. Ngày ấy làm được cái gì là cha mẹ lại mang ra phố Hàng Mắm để bán, hoặc là mẹ cho vào đôi quang gánh đi bán dạo. Ngày xưa nghèo làm gì có tiền mà mua xe đạp. Mẹ gánh nặng lắm, đôi vai lúc nào cũng kĩu kịt. Có hôm nào may mắn khách mua nhiều thì lúc về mẹ đỡ phải gánh nặng, còn không thì vất vả lắm” - người đàn ông tóc bạc, lưng bắt đầu còng đi, ngấp nghé cái tuổi gần đất xa trời bồi hồi khi nhớ về mẹ.
Sản phẩm ngày ấy chỉ là những cối giã cua, giã giò, giã gạo hay là những tấm bia mộ, những cột nhà, phù điêu... Mãi sau này, khi đời sống của người dân được đảm bảo hơn, người ta mới có nhu cầu và điều kiện chú ý đến việc trang trí nhà cửa, quán cà phê, hay có khi chỉ là thỏa mãn sự đam mê yêu thích nghệ thuật.
Để làm ra được một sản phẩm, người thợ chế tác đá phải trải qua bốn khâu. Đầu tiên là việc chọn mua đá. Trước đây, sản phẩm làm ra chỉ là những vật dụng đơn giản cho đời sống hàng ngày nên người dân có thể dùng ngay đá ở địa phương. Ngày nay, những mặt hàng ngày một đa dạng hơn với những pho tượng lớn, những công trình tâm linh đồ sộ nên đòi hỏi chất lượng đá tốt hơn thì phải nhập đá từ nơi khác về. Vì đá núi Trầm có độ liên kết không chặt, nhiều vân thớ, dễ vỡ khi đục. Người thợ lại phải nhập đá xanh, đá đen ở Thanh Hóa hoặc đá trắng từ Nghệ An. Khâu thứ hai là làm phôi, tạo hình ban đầu của sản phẩm. Khâu thứ ba đi vào chi tiết. Khâu thứ tư là đánh bóng, hoàn thiện. Trong bốn khâu này, khâu làm phôi và khâu hoàn thiện là đơn giản nhất.
Tiếp xúc với nghề chế tác đá từ bé nhưng khi lớn lên, ông Củng lại công tác trong Mặt trận Tổ quốc của huyện Chương Mỹ, nhưng không vì thế mà cái nghề của cha mẹ bị mai một trong ông. Ngoài thời gian hành chính ở cơ quan, cứ rảnh rỗi lúc nào ông lại lấy đá về đục, đẽo thành sản phẩm bán thêm. Sự bền bỉ đó được đền đáp bằng lòng tự hào về chính bản thân mình hôm nay là “người thợ khắc chữ Nho giỏi nhất vùng”. Minh chứng là những công trình ông đã hoàn thành như bia tổ họ Ngô ở Bắc Ninh, bia rùa sao chép lại những bia rùa tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tặng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh… đều được khách hàng hết sức hài lòng, trầm trồ khen ngợi. Và đến cả sau này, khi đã tóc bạc da mồi, những người con trai của ông cũng đều phải đến xin cha tư vấn nếu có khách đặt hàng điêu khắc chữ Nho.
Thời hiện đại nhưng khao khát làm thủ công
Ông Củng có năm người con, ba trai, hai gái, thì cả ba người con trai đều theo nghề của cha ông và rất thành công. Ông hãnh diện cho biết: “Cả ba thằng con trai của tôi đều theo nghề điêu khắc đá và có xưởng riêng. Thằng con trai cả giỏi nhất về làm bia mộ, xưởng của nó ở ngay chân núi Trầm. Thằng con thứ hai thì đa tài hơn, xưởng của nó ở ngay gần đây. Thằng con thứ ba, xưởng nằm sát cạnh xưởng của thằng cả. Thằng thứ ba này cũng rất đa tài, đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đứa cháu ngoại cũng theo nghề điêu khắc đá. Đứa cháu nội cũng quyết định theo nghề này và đang học năm thứ hai Đại học Mỹ thuật Hà Nội”.
Quả là ở Long Châu Miếu, không có gia đình nào vượt qua được gia đình ông Củng, tính cả về thâm niên lẫn sự thành công trong nghề. Vào dịp cao điểm nhất, cả ba người con trai của ông Củng tạo công ăn việc làm cho 60 – 70 lao động địa phương, mức lương dao động từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Trọng (SN 1972, con trai thứ hai của ông Củng) cho biết: “Có lẽ vì được tiếp xúc với nghề từ bé, cũng là vì công cuộc mưu sinh nên cái nghề vận vào cuộc đời anh em chúng tôi lúc nào không biết. Phần khác cũng may là có năng khiếu nên mới gặt hái được nhiều thành công trong nghề, từ đó mà cái nghề đã thành cái nghiệp. Càng may mắn hơn khi đến đời con tôi, các cháu cũng lại yêu nghề của cha ông mà quyết tâm đi theo”.
Ngày nay, công việc chế tác đá không còn vất vả như trước. Những công đoạn thủ công đã được máy móc hỗ trợ hoàn toàn. Công đoạn cưa đá bằng tay đã nhường cho máy xẻ đá. Công đoạn đục, đẽo bằng tay cũng được thay thế bằng các loại máy hiện đại. Thế nhưng, nhàn hạ như thế cũng là một nỗi lo với những người thợ yêu nghề. “Chúng tôi làm nghề bằng tâm huyết, bằng trách nhiệm và tự ái nghề nghiệp. Trước đây cùng làm thủ công một sản phẩm mà nhìn của người ta đẹp hơn của mình là thấy khó chịu lắm, về nhà phải tập luyện lại ngay. Nhưng bây giờ cứ làm bằng máy móc như thế này, tay nghề sẽ dần bị mai một, hoặc tương lai Long Châu Miếu sẽ không còn thợ giỏi. Càng ý thức được điều đó, tôi càng khát khao về một công trình, trong đó những tác phẩm đá nghệ thuật sẽ được làm thủ công hoàn toàn. Đó sẽ là nơi thể hiện tài năng của những người thợ giỏi thực sự” - anh Trọng ấp ủ.