Vào một ngày cuối tuần của tháng 5, chúng tôi có dịp đến dự một đám cưới của người bạn ở thành phố Long Khánh, Đồng Nai. Lái xe trên quảng đường hơn 60km thì đến tư gia tổ chức tiệc cưới. Vừa đến rạp cưới là nghe dàn âm thanh phát “nhạc sống” xập xình với những giai điệu nhạc xuân, nhạc cưới, hòa tấu… rất vui nhộn; làm thức tỉnh cả một miền quê pha lẫn với mùi sầu riêng đang vào mùa chín rộ thoang thoảng và dễ chịu.
Sau thủ tục chào hỏi, tôi nhanh chóng chọn cho mình một vị trí ngồi hướng lên sân khấu lễ cưới. Điểm chú ý không chỉ tôi mà hầu hết mọi người đều hướng vào “tay chơi trống” là nữ rất điệu nghệ cùng hòa nhịp với ban nhạc toàn là nam! Họ đang say sưa trình diễn nhiều bài hòa tấu của các ban nhạc nổi tiếng ở thập niên 80, 90.
Cả rạp cưới bắt đầu chật kín người với hơn 60 bàn tiệc, cùng nhiều âm thanh cười nói ồn ào nhưng vẫn nghe rõ tiếng nhạc; phần lớn mọi người đều chú ý, lắc lư và ngưỡng mộ “tay chơi trống” ấy.
Kết thúc buổi tiệc, chúng tôi quyết nán lại để hỏi thăm về ban nhạc và có cuộc trò chuyện thú vị với tay chơi trống: Cô tên Nguyễn Thị Bạch Tuyết, nhà ở Phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Chào cô Bạch Tuyết, cô có thể nói sơ lược về bản thân và cơ duyên nào đến với nghề “chơi trống”?
Cô Bạch Tuyết: Dạ em chào anh, em là viên chức đang công tác tại trường THCS Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Năm nay em vừa được xếp vào hàng U50 rồi anh ạ. Đây là nghề tay trái của em để kiếm thêm thu nhập vào những ngày cuối tuần. Nói về cơ duyên em đến với nghề “chơi nhạc” thì cũng tình cờ ạ.
Hồi nhỏ, khoảng 8 tuổi gia đình em (ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cứ mỗi chiều cuối tuần mấy anh chị của em hay lấy đàn thùng bày ra ca hát. Sau đó, ông anh kế mới tự chế ra bộ trống nhạc để chơi. Thế là thiếu người đánh trống. Ngoài giờ học hành và phụ giúp gia đình, em được anh chỉ lại cũng như học “lóm” từ nhiều người. Em hay nghe nhạc trên radio, cassetteđể nhịp theo, rồi bị “nhiễm” ngay từ đó.
Trong khoảng thời gian học cấp 2 đến Đại học mỗi khi tham gia Hội diễn văn nghệ của trường em luôn giữ nhiệm vụ chơi trống trong ban nhạc… Sau khi lập gia đình, có em bé thì cuộc sống càng chật vật hơn, ngoài công việc ở trường, em làm thêm rất nhiều nghề để trang trải. Khoảng năm 2010, lần đi đám cưới bạn, anh chơi trống gặp sự cố không thể biểu diễn được nữa… thế là “máu nghề” nổi lên em xin “điền vào chỗ trống đó” với sự ngỡ ngàng của ban nhạc và sự tán thưởng của thực khách dự cưới. Từ đó, cũng có nhiều ban nhạc mời em tham gia chính thức luôn.
Phóng viên: vậy cô Tuyết hiện chơi trong ban nhạc nào? Thu nhập có khá không? Nghe nói Cô có đi dạy trống.
Cô Bạch Tuyết: Dạ, vì em là nữ chơi trống nên có phần đặc biệt hơn nên các ban nhạc ở Biên Hòa, Long Thành, Vĩnh Cữu, Long Khánh… hay mời em cộng tác, những ngày cuối tuần em chạy sô nhiều lắm. Vừa vui, thỏa sức đam mê, vừa có mức thu nhập tương đương với một đầu lương của em nhưng cũng khá vất vả anh ạ. Để có “chỗ đứng” trong nghề, năm 2016 em đã học xong (2 năm) khoa nhạc cụ. Hằng đêm từ 18 giờ đến 20 giờ, em còn đi dạy trống cho Trung tâm âm nhạc ở Biên Hòa.
Phóng viên: Cô có nhận xét gì về phong trào hưởng thụ và chơi nhạc nói chung; có ý kiến gì cho giới trẻ ngày nay?
Cô Bạch Tuyết: (cười) nhìn chung, xu hướng hiện nay mọi người thích hát karaoke hơn bởi tính tiện lợi và thực dụng của nó. Khi nhà có đám tiệc hay tổ chức sự kiện nào đó, ở nhà hàng hoặc nhà riêng có không gian rộng thì họ mới mời nhạc sống. Hát với ban nhạc cũng hơi kén người hát nhưng bù lại là sôi động hơn, thể hiện được tình cảm của người hát.
Ban nhạc chủ động “dìu” theo giọng hát, chủ động tiết chế, điều chỉnh âm thanh… làm người hát và người nghe thích thú dễ chịu hơn. Những bài hát dễ đi vào lòng người, ca từ hay dễ thuộc, giai điệu bài hát vừa phải thì số đông họ hay chọn.
Đây cũng là nghề chân chính, bằng sức lao động miệt mài nghiêm túc nhưng giới trẻ hiện nay ít chọn lựa có lẽ thu nhập không cao. Trong lớp học mình đang dạy trống, hầu hết các em học chỉ dừng lại để biết chơi. Chỉ vài em là học theo năng khiếu và đam mê nhưng cũng không theo nghề.
Hơn 10 năm trước, phong trào liên hoan giữa các ban nhạc ở các địa phương được tổ chức vài lần để tạo sân chơi, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Mấy năm gần đây không thấy tổ chức nữa, vì vậy nên giới trẻ bây giờ ít quan tâm.
Phóng viên: xin cám ơn cô đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Nhìn cô vẫn trẻ, chúc cô nhiều sức khỏe, giữ mãi phong độ và niềm đam mê để đem lại nhiều niềm vui cho mọi người.