Phạm Công Danh đã “làm xiếc” để rút hàng chục nghìn tỷ của VNCB, nay “gánh xiếc” Phạm Công Danh lại tiếp tục “làm xiếc” trước vành móng ngựa.
Phiên tòa sáng 11/8/2016, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Ngọc Bích đã có hàng loạt câu hỏi thẩm vấn với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhân viên tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết. Quá trình hỏi và trả lời đã cho thấy hàng loạt mâu thuẫn, phi lý trong lời khai của Phạm Công Danh và các đồng phạm trước đó. Phạm Công Danh và các đồng phạm đã bị “bóc trần”.
NHNN kiểm soát đặc biệt VNCB để làm gì?
Tháng 2/2012 Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát VNCB (khi đó còn là Ngân hàng Đại Tín) nhằm xử lý các yếu kém, nguy cơ mất khả năng thanh toán của Ngân hàng, tránh đổ vỡ cho toàn hệ thống. Để thực hiện mục tiêu này, một tổ giám sát tại Ngân hàng Nhà nước đã được đặt tại VNCB, kiểm soát toàn diện hoạt động của VNCB. Việc xử lý khó khăn thanh khoản cho VNCB là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của NHNN.
|
Phạm Công Danh và đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh internet. |
Trả lời câu hỏi của luật sư, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không cho phép VNCB huy động lãi suất vượt trần. Quá trình giám sát đặc biệt tại VNCB cũng không hề phát hiện và xử lý VNCB về hành vi huy động lãi suất vượt trần. Đồng thời, luật sư công bố thông tin năm 2013 (thời điểm xảy ra vụ án) tình hình lãi suất huy động trên thị trường ổn định, các nguy cơ với hệ thống ngân hàng đã được kiểm soát và loại bỏ.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định dỡ bỏ trần lãi suất với các khoản tiền gửi trên 6 tháng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định những thông tin này tại Quốc Hội tại thời điểm đó.
“Sốc”
Phạm Công Danh, Phan Thành Mai khai rất “sốc” khi mua lại, tiếp quản Ngân hàng từ nhóm Phú Mỹ.
Do tình trạng xấu của Ngân hàng nên Danh, Mai phải “họp liên tục, chi liên tục” lãi ngoài để huy động tiền cứu thanh khoản của Ngân hàng.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của luật sư về các chỉ số tài chính thể hiện thanh khoản của ngân hàng, về việc Danh, Mai có báo cáo NHNN hay không, cách thức báo cáo như thế nào ... thì Mai xác nhận là chưa có báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không hề nhận được báo cáo nào của VNCB về thanh khoản của Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước trực tiếp giám sát, xử lý mọi hoạt động của ngân hàng nếu có khó khăn về thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước khẳng định không cho phép VNCB huy động vượt trần.
Như vậy, thực tế cho thấy các khó khăn của VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và xử lý. Phạm Công Danh, Phan Thành Mai biết trước tình trạng của VNCB vì Ngân hàng đã bị kiểm soát từ trước khi nhóm Phạm Công Danh tiếp quản. Lời khai của Danh và Mai về việc chi lãi ngoài không thể chấp nhận được.
Chi hàng ngàn tỷ không theo dõi, không lưu trữ
Trước câu hỏi của luật sư về việc cách thức, quy trình chi trả lãi suất ngoài ra sao, hệ thống theo dõi thế nào, lưu trữ ở đâu? Phan Thành Mai đều từ chối trả lời.
Tại phiên tòa trước, Phan Thành Mai khai thường xuyên phải chuyển tiền, ứng tiền cho các chi nhánh để trả tiền lãi ngoài, thậm chí có nhiều giám đốc Chi nhánh phải ứng tiền cá nhân để trả lãi ngoài rồi lên Hội sở đòi tiền Phan Thành Mai.
Khi luật sư đề nghị Phan Thành Mai khai rõ đó là các Chi nhánh nào, ai là người chi ngoài, ai là người đòi tiền cụ thể thì Phan Thành Mai không trả lời được.
Luật sư Uyên hỏi “tất cả số tiền huy động của VNCB đều được trả lãi ngoài hay sao?”, “danh sách những khoản tiền gửi được trả lãi ngoài đâu?”, “tổng số tiền đã trả lãi ngoài là bao nhiêu?”. Phan Thành Mai đã không thể trả lời các câu hỏi này.Tương tự như vậy, Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh, người tự nhận chịu trách nhiệm chi trả các khoản lãi ngoài, cũng không trả lời các câu hỏi trên.
Danh, Mai đều khai chi hàng ngàn tỷ lãi ngoài vượt quy định. Danh khai đã dùng tiền cá nhân để chi trả. Luật sư Uyên đặt vấn đề “3.600 tỷ Danh trả cho nhóm Phú Mỹ mua Ngân hàng Đại Tín được rút từ ngân hàng, 4.500 tỷ Danh dùng tăng vốn điều lệ được rút từ ngân hàng, nhiều khoản khác Danh cũng rút từ ngân hàng, điều này thể hiện Danh không có tiền.
Vậy tiền ở đâu để Danh chi trả lãi ngoài quy định hàng ngàn tỷ?”, “tiền này là của cá nhân Danh hay của tập đoàn Thiên Thanh”, “nếu của tập đoàn Thiên Thanh thì có thể hiện trên báo cáo tài chính của Thiên Thanh hay không?”. Phạm Công Danh không thể chứng minh được mình lấy tiền ở đâu để chi trả lãi ngoài quy định.
Nhớ chi tiết các khoản chi cho nhóm Trần Ngọc Bích
Trong khi không thể trả lời về cách thức, quy trình, tổng số tiền cũng như số liệu chi tiết về các khoản phải trả lãi ngoài thì từ Phạm Công Danh đến Phan Thành Mai, Nguyễn Thị Thu Hương ... đều nhớ rất chi tiết về các khoản được gọi là chi trả “lãi ngoài” cho nhóm Trần Ngọc Bích. Luật sư Uyên đặt vấn đề “tại sao lại chỉ nhớ đến khoản chi cho nhóm Trần Ngọc Bích mà không nhớ các khoản khác”. Câu hỏi này không được giải đáp.
Như vậy, diễn biến phiên tòa đã cho thấy, không thể có chuyện Phạm Công Danh, Phan Thành Mai phải chi trả lãi ngoài để huy động tiền, cứu ngân hàng. Lời khai chi trả lãi ngoài chỉ để “hợp thức hóa”hàng ngàn tỷ các bị cáo đã chi tiêu cho mục đích cá nhân, để đổ thiệt hại cho nhóm Trần Ngọc Bích, trốn tránh trách nhiệm hình sự trong việc rút 5.490 tỷ của Ngân hàng Xây Dựng. Các bị cáo chỉ “nhớ” những gì có thể chạy tội cho mình.
Cho nợ nhưng không đòi?
Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đồng sự rút 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích không có chứng từ, không có lệnh chi từ chủ tài khoản. Giải thích cho việc làm bất chấp pháp luật của mình. Các bị cáo khai rằng việc chuyển tiền là có sự đồng thuận của Bích, các bị cáo cho Bích nợ chứng từ, bà Bích biết việc chuyển tiền vì bà Bích có sử dụng dịch vụ báo giao dịch qua điện thoại, SMS Banking.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết không thể trả lời được các câu hỏi về việc Trần Ngọc Bích có sử dụng dịch vụ SMS không, đăng ký khi nào, trả phí dịch vụ khi nào ... Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã công bố bằng chứng ngày 25/8/2014, chính VNCB thừ nhận bằng văn bản toàn bộ các khách hàng nhóm Trần Ngọc Bích không đăng ký sử dụng dịch vụ SMS. Hoàng Đình Quyết đành “cứng họng”.
Luật sư Uyên hỏi Quyết “Sau khi cho bà Bích nợ chứng từ, VNCB có đòi chứng từ bà Bích không, ai là đòi, lúc nào, đòi bằng văn bản hay hình thức gì?...”, “khi đòi bà Bích không được, Quyết có báo cáo cấp có thẩm quyền nào không?”, “VNCB có cho phép khách hàng nợ chứng từ không, ai là người có thẩm quyền cho phép?”. Quyết đã không thể trả lời được các câu hỏi này vì thực tế các bị cáo đã tự ý chuyển tiền, các lời khai trước đó không đúng sự thật.
Phạm Công Danh hết “mất trí nhớ” và trở nên hung tợn
Theo luật sư Uyên, báo cáo tài chính năm 2013 của VNCB được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Earns & Young, theo quy trình kiểm toán, bao giờ các công ty kiểm toán và ngân hàng cũng xác nhận số dư tiền gửi, tiền vay, đặc biệt là các khoản lớn với khách hàng.
Tuy nhiên, với nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích, có số dư tiền gửi và tiền vay hàng ngàn tỷ, thì VNCB, Công ty kiểm toán không thực hiện thủ tục xác nhận này vào 31/12/2013.
Phải chăng chính vì VNCB đã tự ý chuyển tiền khỏi tài khoản của Bích, tự ý cho vay cầm cố sổ tiết kiệm nên đã cố ý không thực hiện xác nhận số dư, vì sẽ bị lộ? Hội đồng xét xử đã quyết định triệu tập đại diện Công ty kiểm toán để làm rõ các vấn đề có liên quan.
Phần xét hỏi của luật sư Uyên thể hiện, ngày 21/4/2014, đinh ninh tiền trong tài khoản của mình vẫn còn, Trần Ngọc Bích đến VNCB xuất trình ủy nhiệm chi để chuyển tiền thanh lý các khoản vay.
Phạm Công Danh cùng các bị cáo cố ý dấu thông tin tiền trong tài khoản đã bị chuyển đi và lập biên bản ghi nhận với Trần Ngọc Bích: sẽ ngừng tính lãi tiền vay, tiếp tục tính lãi tiền gửi ... Trước các câu hỏi này, Phạm Công Danh bất ngờ hết “mất trí nhớ” mà ngay lập tức trở nên hung tợn với luật sư đến mức tất cả phiên tòa “đứng hình”! Hội đồng xét xử cảnh cáo Danh ngay.