Hơn thế, sự phát triển của nông nghiệp và phi nông nghiệp tại nông thôn còn tạo cơ hội tốt nhất để đẩy nhanh tốc độ tăng thu nhập và giảm nghèo ở các vùng quê, đồng thời mở ra các nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hữu Dũng,Trưởng Bộ môn Kinh tế Tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề gắn phát triển nông nghiệp nông thôn với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa tại chỗ.
PV: Theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì để phát triển nông thôn gắn với công nghiệp hóa hiện đại hóa tại chỗ?
TS. Nguyễn Hữu Dũng: Để thay đổi tư duy này thì chúng ta phải phát triển nông thôn tại chỗ. Theo đó, thay vì ít chú trọng nông thôn để phát triển đô thị, thì phát triển các khu vực nông thôn tại chỗ nên là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chính sách.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là nâng cao năng suất nông nghiệp thông qua các khoản đầu tư vào nhóm yếu tố đầu vào - bao gồm cả vận chuyển, tài chính, công nghệ và các dịch vụ khác. Đồng thời, cần thúc đẩy tầm ảnh hưởng của các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn, biến các cộng đồng nông thôn trở thành trung tâm sôi động của khởi nghiệp và đổi mới thì sẽ làm tăng nhanh thu nhập và phát triển.
Quan điểm phát triển nông thôn này dựa trên sự kết hợp của hai vấn đề thực tế. Thứ nhất, các cộng đồng nông thôn đang hoạt động kém hiệu quả hơn so với các khu vực thành thị và do đó tiềm năng chưa được khai thác và có thể được tăng tốc. Thứ hai, tình trạng nghèo đói diễn ra nhiều hơn ở các vùng nông thôn và do đó tốc độ tăng trưởng nông thôn nhanh hơn là một cơ chế giảm nghèo hiệu quả. Cách tiếp cận này xem tầm quan trọng của cộng đồng thành thị và nông thôn là như nhau, ủng hộ cho sự phát triển tại chỗ của các cộng đồng nông thôn dựa trên năng suất nông nghiệp cao hơn, nền kinh tế nông thôn phi nông nghiệp năng động hơn và liên kết sâu sắc hơn với các cộng đồng thành thị. Ngoài ra, mô hình phát triển tại chỗ này không dẫn tới việc di cư hoặc hình thành các trung tâm đô thị mới mà là làm cho người dân nông thôn từng bước tiếp cận đến mức sống của người dân ở vùng đô thị trên cả nước. Mô hình này thúc đẩy sự định cư cân bằng về mặt địa lý, làm giảm áp lực di cư và cải thiện tính bền vững của quá trình đô thị hóa.
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Bộ môn Kinh tế Tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thảo luận về chiến lược phát triển nông thôn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế. |
PV: Theo ông, các chiến lược củng cố nông thôn tại chỗ nào mà Việt Nam có thể thực hiện?
TS. Nguyễn Hữu Dũng: Những lợi ích tiềm năng của việc đẩy mạnh chuyển đổi nông nghiệp và nông thôn tại chỗ đòi hỏi sự thay đổi mang tính quyết định trong định hướng quy hoạch phát triển quốc gia, chú trọng hơn đến khu vực nông thôn và mối liên hệ với các thành phố. Một số chiến lược có thể vận dụng như sau.
Áp dụng công nghệ để phát triển nông thôn và kết nối với thị trường: Việc mở rộng khả năng tiếp cận và sử các loại công nghệ mới liên quan tới hệ thống kỹ thuật số và kết nối nên được thúc đẩy để tăng thêm năng suất và thu nhập nông nghiệp cho các nông dân nhỏ và lớn. Nông dân có thể bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng thành thị ngày càng nhiều bằng cách sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, các giải pháp thanh toán di động chi phí thấp, dịch vụ sử dụng cảm biến từ xa, hay máy bay không người lái kiểm soát dịch bệnh… từ đó sản xuất chế biến và phân phối nông sản được thực hiện hiệu quả hơn.
Ngoài nông nghiệp, các dự án kinh doanh và khởi nghiệp mới dựa trên công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử giúp hàng hóa và dịch vụ có thể được cung cấp trực tiếp tại các cộng đồng nông thôn mà không cần thêm kho bãi trung gian tốn kém. Khả năng kết nối cao hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa tại chỗ bằng cách làm cho công việc từ xa trở nên hiện thực hơn và giúp nhiều người tìm kiếm các cơ hội đào tạo và việc làm phi nông nghiệp.
Mở rộng cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế và giáo dục: Bằng chứng thực tiễn cũng cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng nông thôn bằng cách xây dựng đường xá và cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng trường học và bệnh viện tốt hơn, mở rộng mạng lưới cấp nước, vệ sinh, điện, cùng các khoản đầu tư khác.
Nguồn tài chính cho các dự án tư nhân và công cộng ở các vùng nông thôn: Tài chính là cần thiết cho các dự án tại các cộng đồng nông thôn. Tuy nhiên hiện nay người dân nông thôn có ít khả năng tiếp cận tài chính hơn so với người dân thành thị. Ngay cả trong những trường hợp có khả năng tiếp cận tài chính, người dân nông thôn thường phải đối mặt với lãi suất cao hơn và những thách thức trong thế chấp tín dụng - tất cả đều không dễ cho họ vay vốn. Mở rộng khả năng tiếp cận tài chính nông thôn để dẫn đến mở rộng các lựa chọn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến hơn, đầu tư vào giáo dục và nâng cao năng lực, do đó nâng cao năng suất trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn.
Việc phát triển các cơ cấu tài chính và hợp tác công tư có thể thúc đẩy đầu tư vào các dịch vụ cơ bản cho những người cần nhất. Để có kết quả nhanh hơn, chính phủ có thể hỗ trợ một mạng lưới tài chính trung gian thay vì tài trợ trực tiếp cho các khoản đầu tư. Trung gian tài chính thường quản lý rủi ro tốt hơn để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trong các doanh nghiệp nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Tăng năng suất nông nghiệp: Tăng năng suất nông nghiệp có thể đến từ việc sử dụng công nghệ và hiện đại hóa chuỗi giá trị, và những chuỗi giá trị này có thể được thực hiện theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào bối cảnh của từng ngành hàng và từng khu vực. Mức độ tăng năng suất nông nghiệp có thể diễn ra bằng cách: a) đầu tư năng suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng năng suất trên diện rộng trong nông nghiệp cơ bản; b) củng cố hệ thống chuỗi nông sản để cung cấp cho các nhóm cơ hội và sinh kế dựa vào nông nghiệp; c) hiện đại hóa nông nghiệp để mở rộng và đa dạng hóa tăng trưởng năng suất và thu nhập. Tất cả những cải tiến này cũng dẫn đến những lợi ích gia tăng năng suất lao động cao hơn, giúp giải phóng một phần lao động hộ gia đình khỏi các hoạt động nông nghiệp và phân bổ lại lao động từ các lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp vốn thường đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Khuyến khích liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp: Phát triển liên kết đòi hỏi phải thúc đẩy các nhà cung cấp đầu nguồn và hạ nguồn trong chuỗi giá trị nông sản và phi thực phẩm. Điều này làm giảm chi phí đầu vào và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chế biến và tiếp thị sản phẩm, mang lại lợi ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp nông thôn. Về lâu dài, các khoản đầu tư vào chuỗi giá trị thực phẩm ngoài nông nghiệp tạo ra các khoản đầu tư tư nhân bổ sung vào các doanh nghiệp và hỗ trợ người dân nông thôn phát triển và năng suất hơn.
Mạnh dạn hành động nhưng vẫn cảnh giác trước những rủi ro: Cần lưu ý là các chiến lược chính sách được thảo luận ở đây không phải là không có thách thức và các tác dụng phụ không mong muốn. Sự gia tăng của các chuỗi giá trị thực phẩm có công nghệ tiên tiến hơn và các trang trại thương mại lớn hơn có thể tập trung nguồn tài chính, đất đai và lao động sẵn có theo cách làm giảm khả năng tồn tại của các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ hơn, với các tác động xã hội tiêu cực nhất định tới nông dân quy mô nhỏ hơn. Các trang trại thương mại lớn cũng có thể có tác động môi trường lớn hơn do sử dụng nhiều tài nguyên hơn, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu độc hại, và trong trường hợp đất nông nghiệp được mở rộng cũng có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến đa dạng sinh học như thường xảy ra với các đồn điền trồng cao su hay cà phê. Điều quan trọng là phải quản lý thị trường và thiết lập cơ chế khuyến khích để đảm bảo đổi mới và cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với xóa đói giảm nghèo, đồng thời đảm bảo phát triển xã hội và môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển nông thôn mới nhanh và bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!