Sáng 22/11, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND thị xã Đông Triều tổ chức lễ đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đây là một trong tổng số 11 tượng thờ tại chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều gồm: Tượng Tam tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), tượng Phật Thích ca mâu ni, tượng đức Thánh Hiền, tượng Đức Ông. Các tượng có chiều cao từ 1,3 đến 2,2m, được đúc bằng đồng và sẽ được đưa vào thờ tại Tam bảo chùa Ngọa Vân trước ngày giỗ Phật hoàng năm nay (1/11 Âm lịch).
Công trình này do Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư với số tiền gần 90 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
|
Lễ đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tổ chức tại đền An Sinh, Đông Triều. |
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cho biết, chùa Ngọa Vân được xây dựng ở Bảo Đài Sơn, nhìn trên tổng diện về mặt địa lý hiện đại thì nó nằm trên một cái khu vực của một dãy thuộc một phần của vòng cung Đông Triều. Nếu núi Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, tu luyện, giảng pháp, độ tăng, thì am Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện, hoá Phật của Ngài.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành ở khu vực Yên Tử và năm 1307 đã dời về đây và lập một cái am để tu thiền. Năm 1308, sau khi về kinh đô Thăng Long thăm chị, Ngài đã chọn nơi này và hóa Phật tại am Ngọa Vân. Sau đó, đệ tử của Ngài đã hỏa thiêu nhục thể của Ngài, thu xá lợi rồi xây dựng am tháp.
Đầu thế kỷ 14, Ngọa Vân là quần thể chùa am tháp của thiền phái Trúc Lâm. Và đây chính là Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm. Đến thế kỷ 18 các vị thiền sư nổi tiếng đã quay trở lại Ngọa Vân này để trùng tu và xây dựng lại.
|
Nghi thức trang trọng tại lễ đúc tượng. |
Chính nơi đây, Đức sư Tổ Trần Nhân Tông cho ra đời những tác phẩm bất diệt, như: Thiền Lâm thiết chuỳ ngữ lục, Đại hương hải ấn thi tăng, tăng già loái sự, thạch thất my ngữ…
Khu vực Ngoạ Vân bao gồm 6 cụm di tích, phân bố dọc từ phía Đông đến khu vực trung tâm sườn phía Nam của núi Ngoạ Vân, trong đó tại khu vực chùa hiện nay còn lại rất nhiều các di tích di vật của nhiều thời kỳ khác nhau như: Am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, tháp tổ chứa xá lị của các vị thiền sư.
Các di tích đời Trần trên đất Đông Triều nối liền với quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử ở TP Uông Bí, tạo nên hệ thống di tích về hành trình tu hành và hoá Phật của Đức vua Trần Nhân Tông. Đây là tiềm năng và động lực mạnh để huyện Đông Triều đưa vào khai thác, phát triển dịch vụ du lịch văn hoá - tâm linh, thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội theo mô hình "Kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững".