Sau 5 năm triển khai, các đội viên thuộc Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đã phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý trong vai trò, trách nhiệm là Phó Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm cọ xát thực tế nên một số đội viên vẫn chưa tự tin trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
|
Trí thức trẻ Đinh Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) hướng dẫn người dân trồng và thu hoạch chè. |
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, hôm qua (23/5), tại TP Lào Cai đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Tây Bắc nhằm chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết Dự án 600 Phó Chủ tịch xã ở quy mô toàn quốc sắp tới.
Gần 97% hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ
Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) – Giám đốc Dự án, sau 5 năm về xã công tác, hầu hết các đội viên Dự án đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của Phó Chủ tịch UBND xã. Hầu hết các đội viên Dự án đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, đa số hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được kết nạp Đảng và được cấp ủy, chính quyền quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo quản lý.
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất như mô hình nuôi giun quế tại Nậm Nhùn (Lai Châu), mô hình trồng Tam Thất tại Mản Thẩn (Si Ma Cai – Lào Cai) được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. “Chúng tôi có 34 xã trên địa bàn 3 huyện nghèo được tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã. Các trí thức đều đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình, trong đó hoàn thành tốt và xuất sắc đạt gần 97%”- ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các đại biểu, trong quá trình thực hiện Dự án, mặc dù có kiến thức chuyên môn nhưng do hạn chế trong kinh nghiệm công tác; rào cản ngôn ngữ với đồng bào địa phương… nên việc cống hiến cho các xã khó, xã nghèo của các đội viên chưa được nhiều.
Vì vậy, trả lời cho câu hỏi “Sau khi kết thúc dự án, các Phó Chủ tịch xã trẻ sẽ làm gì?”, đại diện những người đứng đầu các địa phương đều cho rằng, mục tiêu của dự án là đào tạo và rèn luyện người trẻ trong môi trường thực tiễn và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương. Mục tiêu này đã thực hiện được, còn việc các trí thức trẻ này có tiếp tục là Phó Chủ tịch xã trẻ hay sẽ có bước trưởng thành hơn nữa thì sẽ cần một khoảng thời gian để bồi dưỡng và đào tạo.
Cần thêm thời gian thử thách
Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng đây là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương, song cần đánh giá toàn diện về Dự án để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Với những trí thức trẻ tăng cường về địa phương, nên có thời gian đào tạo ở cơ sở từ 3-5 năm để có thể đảm nhiệm được chức danh Phó Chủ tịch, việc bố trí chức danh ngay có thể làm các em quá sức.
Ông Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, để nâng cao chất lượng của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, phải chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn, đạo đức, chuẩn bị kỹ cho đội viên không chỉ các kiến thức về quản lý nhà nước mà còn cả những kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, phải tạo cơ hội cho các đội viên có thời gian thử thách 1 đến 2 năm nhằm học hỏi, cọ xát, từ đó mới có thể xem xét, đánh giá năng lực lãnh đạo đến đâu.
Về phần mình, các đội viên cũng bày tỏ nguyện vọng muốn đem sức khỏe, trí tuệ tiếp tục cống hiến cho địa phương; đồng thời mong muốn được ổn định vị trí việc làm để yên tâm công tác. Vì thế, các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục bồi dưỡng năng lực cho các đội viên để tạo nguồn lâu dài cho cơ sở. Và điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp phù hợp, từ việc tuyển chọn đội viên cho đến cơ chế chính sách nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất.