Một người đã từng có tiền án, tiền sự sẽ phải đạt điều kiện như thế nào để được xóa tiền án, tiền sự và trở thành một công dân bình thường?
Bạn đọc Hoàng Anh T. (TP Hải Phòng) hỏi: Điều kiện để một người vi phạm pháp luật được xóa tiền án, tiền sự là gì?
Người có tiền án là người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Tiền án, tiền sự là vấn đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm, bởi vì khi có tiền án, tiền sự mà chưa được xóa tiền án, tiền sự thì người đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Vậy một người đã từng có tiền án, tiền sự sẽ phải làm như thế nào để được xóa tiền án, tiền sự và trở thành một công dân bình thường?
Người có tiền án, tiền sự sẽ được xóa tiền án, tiền sự trong trường hợp họ có ý thức chấp hành tốt quy định của pháp luật, có ý chí cải tạo, không tái phạm, và sau thời gian theo quy định họ sẽ đương nhiên được xóa án tích, không còn tiền án, tiền sự.
|
Điều kiện để một công dân được xóa tiền án, tiền sự? (Hình minh họa) |
Cụ thể, tại Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định đối với người đã có tiền án, tiền sự sẽ được xóa án tích dưới các hình thức như sau:
Đương nhiên được xóa án tích: Người có án tích đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định để được xóa án tích;
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện theo quy định;
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn theo quy định.
Kể từ khi được xóa án tích, người bị kết án sẽ được coi như chưa bị kết án.
Theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:
Đối với người đã bị xử phạt hành chính: Nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính;
Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.
Kể từ khi được xóa tiền sự, người vi phạm sẽ được coi như là chưa từng có tiền sự.
Như vậy, một công dân có hành vi vi phạm pháp luật nhưng có ý chí muốn trở thành người lương thiện, chấp hành theo quy định pháp luật, không tái phạm, thì sau thời gian thử thách theo quy định như trên thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền xóa tiền án, tiền sự.