Việc chữa trị bệnh thủy đậu bằng cách dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống… là những phương pháp hoàn toàn sai lầm, dễ khiến cho tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Tin nên đọc
Thực hư về nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu tại Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ổ dịch thủy đậu
Bà bầu mắc thủy đậu cẩn thận nguy hiểm cho thai nhi
Thủy đậu vào mùa, trẻ em và phụ nữ có thai cần cẩn thận
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận điều trị cho 24 trường hợp bị thủy đậu. Trong đó có nhiều trẻ bị lây thủy đậu từ người lớn. Hiện bệnh viện đang điều trị cho bé sơ sinh mới 20 ngày tuổi bị lây bệnh từ mẹ.
Còn tại Kon Tum, ngày 9/2, ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết: “Sau Tết nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát hiện 17 ca mắc bệnh thủy đậu, tại các huyện Kon Rẫy, Đăk Hà và Đăk Glei”.
Mặc dù virus gây bệnh thủy đậu là lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn).
Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.
|
Nhiều trẻ vẫn mắc thủy đậu dù đã chích ngừa vắc-xin 1 lần. Ảnh: Vietnamnet |
“Người mắc thủy đậu hầu hết sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách tại nhà. Tuy nhiên, cách chăm sóc, điều trị của nhiều phụ huynh theo những quan niệm sai lầm đã khiến ít nhất 24 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, gặp biến chứng…”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay.
Vị Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cũng nói thêm, hiện các bậc cha mẹ vẫn áp dụng phương pháp dân gian trong chữa trị bệnh thủy đậu.
Tuy nhiên, có nhiều cách không đúng như dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống… làm cho tình trạng bệnh của trẻ biến chứng nặng hơn.
BS Khanh giải thích, nhiều người nghĩ bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) và gốc rạ (gốc cây lúa) có liên quan nên đã dùng gốc rạ… chữa trị.
“Trên thực tế giữa bệnh trái rạ và gốc rạ không hề liên quan tới nhau. Dùng cách này khiến người bệnh dễ nhiễm trùng. Còn uống nước gốc rạ có thể bị ngộ độc” - vị BS khẳng định.
Ngoài ra, người xưa nói rằng khi bị thủy đậu người bệnh phải trùm kín, tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống, nhưng theo BS Khanh, việc trùm kín khiến cho cơ thể đổ mồ hôi sẽ gây ngứa, bệnh nhân khi đó sẽ gãi nhiều làm các bóng nước vỡ ra.
Cộng thêm việc không tắm rửa sạch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ để lại sẹo gây ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ sau này.
Việc không được ăn uống đầy đủ khi đang bị virus tấn công làm cơ thể giảm sức đề kháng khiến bệnh càng nặng thêm.
Theo BS Khanh, khi bị thủy đậu, cứ tắm cho trẻ bình thường, có thể dùng thêm xà bông để tắm, và nên cắt móng tay cho trẻ để tránh tình trạng bé gãi ngứa dẫn tới việc các bóng nước bị vỡ dễ nhiễm trùng.
Phụ huynh cũng không nên cho người bệnh ăn các thức ăn ngọt quá, hoặc các thức ăn đã từng bị dị ứng bởi nó có thể gây ngứa cho trẻ.
“Để tránh truyền bệnh cho người thân và cộng đồng, người mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc đến những nơi đông người” - vị BS khuyến cáo.
Nguồn: Vietnamnet, Tiền Phong, Dân Trí