Ngày 06/3/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu: “Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3”. Đề xuất này đang làm “dậy sóng” dư luận, cũng thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật.
Đề xuất trái luật, phiền hà và gây lãng phí
Bình luận về phát biểu của “tư lệnh ngành” giao thông, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật TNHH Trường Lộc, Đoàn Luật sư Hà Nội) dẫn quy định tại khoản 9 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ: “Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển; Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn, trước khi hết thời hạn sử dụng người lái xe phải khám sức khỏe và làm các thủ tục theo quy định để được đổi giấy phép lái xe.”.
Bên cạnh đó, các Điều 27, 28 Thông tư số 12/2017/TT – BGVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do chính Bộ GTVT ban hành cách đây chưa đến 2 năm cũng nêu rõ: Cơ quan quản lý sát hạch rà soát, tổng hợp kết quả, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Giám đốc Sở GTVT ra quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, Cơ quan quản lý sát hạch chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ của kỳ sát hạch.
“Như vậy, pháp luật quy định người qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được người có thẩm quyền ra quyết định trúng tuyển kỳ sát hạch, được cấp giấy phép lái xe, hồ sơ đào tạo, sát hạch được lưu giữ. Người mất giấy phép lái xe không phải mất đi kết quả sát hạch, do đó nếu vì mất giấy phép lái xe phải sát hạch lại có nghĩa là phủ nhận kết quả sát hạch và quyết định công nhận trúng kỳ sát hạch để được cấp giấy phép lái xe đã bị mất, trái với quy định của khoản 9, Điều 61 Luật Giao thông đường bộ, đồng thời gây phiền hà và lãng phí” – Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Đồng tình với Luật sư Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu người mất Giấy phép lái xe phải thi lại chỉ để “tránh tình trạng lợi dụng việc này để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3” thì Bộ trưởng dường như đã quên mất nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang phấn đấu thực hiện. “Lưu giữ dữ liệu và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý thế nào là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, không thể dồn trách nhiệm lên vai người dân” – TS. Nguyễn Thị Lan nói – “Chưa kể, đề xuất này, nếu được chấp nhận, có thể tạo nên tiền lệ không hay, bởi trong bối cảnh chưa thể số hóa hết mọi lĩnh vực, giấy tờ mà người dân còn phải bảo quản trực tiếp là rất nhiều”.
Phải xem xét thấu đáo trước khi đổ “trách nhiệm” lên vai người dân
Trước đòi hỏi phải có những hành động cấp thiết nhằm giảm thiểu các hiện tượng mất an toàn giao thông vẫn đang diễn ra hàng ngày, Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy – Đoàn Luật sư Hà Nội) hoàn toàn tán thành việc các cơ quan chức năng và toàn dân vào cuộc quyết liệt đảm bảo an toàn giao thông. “Với ý nghĩa đó, việc cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định pháp luật phù hợp để “nâng cấp” sự quản lý nhằm hạn chế những tác hại của việc vi phạm trong lĩnh vực giao thông là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT có lẽ là chưa phù hợp” – Luật sư Từ nói – “Bởi, điều cốt lõi và mấu chốt cần phải xem xét việc mất giấy phép lái xe là xuất phát từ lỗi như thế nào của người dân: lỗi cố ý hay lỗi vô ý hay là trường hợp bất khả kháng”.
Luật sư Từ phân tích, trường hợp thứ nhất, có thể xảy ra trong những tình huống như người dân đánh mất giấy phép lái xe do lỗi vô ý hoặc bất khả kháng như để quên, do hỏa hoạn, bão lụt, bị mất cắp… Đây là điều người dân hoàn toàn không mong muốn xảy ra vì việc mất giấy phép lái xe sẽ gây phiền phức, ảnh hưởng đến tâm lý bất an cho người dân. Vậy những trường hợp này, việc cấp lại giấy phép lái xe cho người dân là hoàn toàn khả thi và đúng quy định pháp luật. Đây cũng là thể hiện phương châm “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Trường hợp thứ hai là cố ý làm mất giấy phép hoặc vẫn còn giấy phép lái xe nhưng báo mất để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3 như ý của Bộ trưởng Bộ GTVT đề cập thì phải nhìn nhận ở góc độ quản lý với ý nghĩa là phải nâng cao công tác quản lý để hạn chế, phát hiện và chấm dứt tình trạng này, trong đó công tác xác minh là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT cũng đã quy định về vấn đề xác minh. Điểm a, Điểm b, Khoản 2 Điều 34 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, việc xác minh giấy phép lái xe phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc fax và sau đó gửi bằng văn bản và khi chưa có kết quả xác minh giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải không đổi, không cấp lại hoặc không đưa vào danh sách thí sinh được phép dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
“Vì thế, cần phải nhìn nhận “hiện tượng” mất giấy phép lái xe ở góc nhìn đa chiều, ở khía cạnh pháp lý để có cách quản lý phù hợp. Thiết nghĩ, không nên vội vàng “quy chụp” tất cả các hiện tượng mất giấy phép lái xe đều là thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật để kiếm thêm giấy phép thứ 2, thứ 3” – Luật sư Hà Huy Từ nhận định.