Câu chuyện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, DN một lần nữa lại được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024.
Sáu tháng đầu năm 2024, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp với 108 TTHC. Thủ tướng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa với 40 TTHC nội bộ.
Giao thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Bình Dương... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Một số tồn tại, bất cập được chỉ ra như: Một số quy định, TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian.
|
Ảnh minh họa. |
TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp. Việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho DN, người dân còn hạn chế; tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại một số nơi chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính.
Cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia đã và đang là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Xin nhắc lại, tháng 5/2024, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, tinh thần “5 đẩy mạnh”; nêu nhiều nhiệm vụ cụ thể, với tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ diễn ra ngày 23/9, Thủ tướng chỉ rõ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược, thể chế vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa 13) vừa kết thúc, Trung ương đã yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa, đột phá mạnh mẽ hơn trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Lâu nay, chúng ta thường biết đến thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tuy nhiên, một trong các nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai chính là do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Do đó, phải tháo gỡ vướng mắc, có các quy định cụ thể để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, không sợ sai.
Tinh thần của Trung ương hiện nay là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; căn cứ vào quy định để hành động, không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình, phải “đá bóng” lên cấp trên, lên cấp Trung ương.