Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng rất cao và để hiện thực hóa mục tiêu này, cần tạo dựng một khát vọng xuyên suốt. Từ đó sẽ có những cải cách đột biến để tạo không gian rộng mở cho doanh nghiệp có động lực phát triển.
Tạo một khát vọng xuyên suốt…
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang đưa ra những mục tiêu phát triển khá cao trong giai đoạn tới, như tiến tới tăng trưởng 2 con số và điều này không hề dễ để thực hiện. “Nhưng khi đã đặt ra kỳ vọng thì chúng ta phải đưa kỳ vọng ấy thành khát vọng xuyên suốt từ người lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ thực thi và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả lãnh đạo các cấp, lãnh đạo - thủ trưởng của tất cả các đơn vị phải có khát vọng. Từ khát vọng ấy sẽ tìm ra, đưa ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn để hiện thực hóa kỳ vọng” - ông Lâm chia sẻ.
|
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. |
Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore cho thấy, họ có kỳ vọng và có khát vọng là họ làm được. Bởi họ có những nhà lãnh đạo có khát vọng, có tầm nhìn và quyết tâm đưa đất nước đi lên. Cùng với đó, là có chiến lược kinh tế phù hợp với từng giai đoạn một. Ví dụ, như Nhật Bản và Hàn Quốc có chính sách cởi mở, mở cửa kinh tế từ những năm 1950-1960. “Phải nói lúc đó mà tiến hành mở cửa kinh tế là cả một sự dũng cảm và họ đã đón đầu được xu thế toàn cầu hóa. Do đó, chính sách của chúng ta phải có tính dự báo và đón đầu được, nắm bắt được cơ hội và đón đầu xu thế” - ông Lâm nói.
Việt Nam hiện cũng đang có một cuộc cách mạng lớn về thể chế với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy. Đó là nỗ lực để giảm bớt đầu mối, bớt khâu trung gian, bớt thủ tục hành chính. Cùng với đó, tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, làm tăng thủ tục hành chính. Từ việc cải cách này, môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
|
Cuộc cách mạng về cải tổ bộ máy đang được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi. |
Theo ông Lâm, ngay lập tức, cần có những quyết sách cụ thể để trước mắt có thể giải ngân được vốn đầu tư công. “Trước kia không có tiền, phải thu hút FDI bằng mọi cách mà hiện giờ có tiền không tiêu được. Đó là một nghịch lý cần phải tháo gỡ, giải quyết ngay. Ví dụ, cần có những cái cách thể chế, có những quy định rất độc đáo, khác biệt để đội ngũ thực thi dám làm, dám giải ngân, không sợ khi giải ngân có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Vấn đề cơ bản vẫn là thể chế và vẫn là gắn trách nhiệm với người đứng đầu, phải có người chịu trách nhiệm và đồng thời làm thực sự vì công việc, vì sự vươn lên của đất nước, dân tộc” - ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, những thủ tục gì gây cản trở các hoạt động phát triển kinh tế xã hội hoặc tạo đường đi cho tham nhũng, nhũng nhiễu nên bỏ đi như chuyện “lại quả” trong đấu thầu, như chuyện đơn giá trong các công trình sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Cần phải có cơ chế để những người thực thi có thể được quyền quyết, được quyền thay đổi trong quá trình đầu tư công, tránh triệt để chuyện hiện nay, mỗi lần thay đổi giá lại phải trình lên trình xuống qua vài vòng, vài lượt vẫn chưa được quyết… “Tất nhiên, đi cùng với cơ chế này cũng cần một cơ chế giám sát, hậu kiểm thực sự hiệu quả” - vị chuyên gia lưu ý.
Tạo dựng cơ chế cho doanh nghiệp Việt lớn mạnh
Hiện doanh nghiệp là chủ thể kinh tế quan trọng nhất cho tăng trưởng. Doanh nghiệp mà không phục hồi, không sản xuất kinh doanh tốt thì sẽ không thể tăng trưởng được. “Tăng trưởng 2 con số hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng doanh nghiệp. Và trong cộng đồng doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước là những chủ thể chính, cần phải có các chính sách, biện pháp nâng cao nội lực doanh nghiệp, từ đó đưa họ trở thành chủ thể phát triển kinh tế” - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.
Bên cạnh đó, cũng cần có phương án, cơ chế “cởi trói” cho khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trao quyền tự do kinh doanh cho DNNN bên cạnh nghĩa vụ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bởi thực tế, đội ngũ DNNN có nguồn vốn rất lớn, lợi thế lao động kỹ năng cao cũng nhiều nhưng phát triển vẫn chưa thực sự tương ứng, xứng tầm.
|
Cần xây dựng được doanh nghiệp đủ lớn để quy tụ hệ sinh thái sản xuất xung quanh. |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá “Nội lực của Việt Nam lớn lắm, từ khối doanh nghiệp tư nhân đến DNNN. Vấn đề quan trọng là làm sao Nhà nước có khuôn khổ chính sách, có cơ chế để tận dụng và phát huy được nguồn nội lực ấy hay không”.
Thực tế, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu Việt Nam muốn vươn mình được, muốn phát triển được nội lực thì chúng ta phải có những sản phẩm thuần Việt, tức là có sự phát triển của những doanh nghiệp đầu đàn, bao gồm cả những DNNN, doanh nghiệp tư nhân để họ tạo ra được những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế.
|
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. |
Cùng với đó, họ cũng đóng vai trò như một hạt nhân kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để từ đó chúng ta có được “cái gọi là chuỗi sản xuất” nhưng thuần Việt. Chính từ chuỗi giá trị thuần Việt này mà hình thành được nội lực của riêng mình. Điều này, đòi hỏi phải tạo ra cơ chế để những doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể quy tụ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra chuỗi sản xuất thuần Việt. Và những cơ chế, chính sách phải được quy định cụ thể, rõ ràng, những ưu tiên, ưu đãi đó phải thực tế và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh ví dụ cụ thể, như cần phải có quy định nếu doanh nghiệp là thương hiệu quốc gia cần được ưu tiên như thế nào về thuế, về tiếp cận vốn, rồi vấn đề phát hành trái phiếu trong nước, nước ngoài ra sao…
“Những ưu đãi này phải cụ thể để doanh nghiệp lớn có thể huy động được lượng vốn đủ lớn để từ họ làm được những sản phẩm mang tính tiêu biểu, sau đó có khả năng quy tụ được các doanh nghiệp xoay quanh như một hệ sinh thái sản xuất, từ đó mới xây dựng được chuỗi sản xuất thuần Việt. Khi xây dựng được những chuỗi thuần Việt thì chúng ta mới đứng được trên đôi chân của mình, mới có thể phát huy được nội lực của kinh tế Việt Nam” - PGS.TS Thịnh nói.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam luôn rất lớn, do đó, cần “cây đũa thần” là thể chế và sự quyết tâm cải cách thể chế, giám sát thực thi để có thể hiện thực hóa “khát vọng vươn mình”, “tăng trưởng 2 con số” từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước đến các cấp thực thi và doanh nghiệp. TS Nguyễn Bích Lâm khẳng định, bây giờ là lúc cần phải vào cuộc mạnh mẽ tạo dựng “đất dụng võ” cho đội ngũ nhân lực thực sự hiểu biết, tâm huyết, vì lợi ích của dân tộc và cần sớm nhìn ra, loại bỏ những cá nhân trục lợi, đặt lợi ích cá nhân xen vào quá trình xây dựng nội lực kinh tế, đặt lợi ích cá nhân lên trên, đánh đổi lợi ích dân tộc.
Tận dụng được lợi thế từ nguồn lực FDI
Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là một chủ thể quan trọng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tới. Tuy nhiên, cần phải từng bước “cài cắm” đội ngũ doanh nghiệp Việt một cách “danh chính ngôn thuận” vào trong chuỗi sản xuất của khối doanh nghiệp này. Đây cũng là điều mà chúng ta đã đặt ra trong gần 30 năm thu hút vốn FDI nhưng nhiều ý kiến cho rằng, do nội lực doanh nghiệp Việt còn yếu nên cơ hội vào sâu chuỗi sản xuất toàn cầu còn ít.
|
Cần phải có chế tài về việc chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI. |
Báo cáo công bố hồi đầu tháng 12/2024 của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thực chất, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác và đáng lo nhất là tỷ lệ này lại còn đang giảm xuống theo thời gian”. Theo đó, chỉ có 18% các doanh nghiệp có liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu trong năm 2023, thấp hơn 17 điểm phần trăm so với năm 2009. Tương tự, chưa đến 40% các doanh nghiệp chế tạo chế biến của Việt Nam có liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng lại thấp hơn so với năm 2009, là thời điểm 55% doanh nghiệp chế tạo chế biến có liên kết.
TS Nguyễn Bích Lâm nhận định, thực ra hiện nay Việt Nam vẫn đang dành cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi quá lớn. Do đó, cần phải rà soát lại những dự án FDI và đặt ra điều kiện cụ thể, ví dụ sau bao nhiêu năm phải chuyển giao công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu trong nước như thế nào để phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng cũng cần phải đưa ra các điều kiện cụ thể. Ví dụ như ngành bán dẫn chẳng hạn, ít nhất cũng phải yêu cầu công nghệ thế nào, sau bao năm chuyển giao công nghệ, sử dụng đội ngũ lao động Việt Nam ra sao, chỉ bằng cách này thì doanh nghiệp Việt mới có thể có cơ hội lớn mạnh cùng với song hành với doanh nghiệp FDI” - TS Lâm đề xuất.
Do đó, theo TS Lâm, chính sách hỗ trợ hay thu hút FDI của Chính phủ cần nhắm tới mục tiêu phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới khi cho rằng, chính sách kết nối doanh nghiệp đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước là một trong những cách để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt, qua đó nâng cao giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó nội lực của doanh nghiệp Việt mới được củng cố và tiến tới dần làm chủ cuộc chơi ở “sân nhà”.