Đã nhiều lần các chuyên gia đều đề cập về vấn đề xuất khẩu hiện nay phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Vấn đề này cũng được các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế nhận diện. Vậy để giảm dần phụ thuộc vào FDI, chúng ta cần làm gì?
Loạt câu hỏi về “hậu FDI”
Trong một cuộc phỏng vấn với báo PLVN, PGS.TS chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đặt câu hỏi: “Chúng ta đều nhận thấy, hiện nay đến 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam đều là hàng hóa của các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, thông thường các nhà đầu tư FDI đều khai thác trong nhiều năm liên tục, đến khi họ thấy không còn hiệu quả nữa, do chi phí nhân công có xu hướng tăng cao, do máy móc, thiết bị cũ đi rồi, hàng hóa họ làm ra mất dần sự cạnh tranh thì họ sẽ bỏ đi. Lúc bấy giờ mình sẽ làm gì”?
Đây cũng là băn khoăn mà bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) chia sẻ trong nhiều lần trò chuyện. Bà Thủy cho biết, có một câu nói của một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khiến bà trăn trở suốt nhiều tháng qua. Theo đó, vị này dự đoán khoảng 10 năm nữa sẽ có thể có làn sóng FDI rời khỏi Việt Nam giống như làn sóng đã rời khỏi Trung Quốc. “Câu hỏi đặt ra của những người Mỹ, sau khi FDI rời đi hoặc giả định FDI rời đi doanh nghiệp Việt còn lại gì, câu này tác động rất mạnh đến chúng tôi” - bà Thủy cho biết.
Vì theo các chuyên gia của USAID, Việt Nam có nhiều mục tiêu nhưng trên thực tiễn nội lực trong nước còn yếu để có thể tự chủ được cuộc chơi. Họ cũng băn khoăn không biết Việt Nam có được những chiến lược gì sau khi FDI rời đi để có thể làm mạnh được nền kinh tế từ nội lực của chính mình.
|
Việt Nam còn lại gì sau khi FDI rời đi là băn khoăn được nhiều chuyên gia chia sẻ |
“Chữ nội lực tôi rất muốn chia sẻ với mọi người, bởi câu hỏi lớn của người Mỹ đã đặt ra khiến chúng ta cần phải đặt ra bài toán toán trăn trở, rằng, nếu chúng ta không đẩy được nội lực lên bằng sự bứt phá, bằng sự gắn kết lẫn nhau thì nhiều dự đoán về khó khăn khi FDI dịch chuyển hoặc gặp phải các cú sốc như Covid-19 hay là cuộc chơi của thế giới hiện nay khi các quốc gia đang sắp xếp lại cũng sẽ tạo ra thách thức ở trong nước” - bà Thủy nói.
Thực tế, các ngành thu hút FDI lớn hiện nay đều là công nghiệp chế biến chế tạo. Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong các ngành này, đặc biệt là công nghiệp ô tô, công nghệ điện tử đều còn khá thấp và cách xa so với mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra. Nhưng cũng không thể phủ nhận, một số ngành nghề thâm dụng lao động ở Việt Nam như dệt may, da giày đã có những nỗ lực nhất định để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, để nâng cao nội lực của ngành trong cuộc chơi với FDI và với toàn cầu.
“Có một câu nói của một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khiến tôi trăn trở suốt nhiều tháng qua. Theo đó, vị này dự đoán khoảng 10 năm nữa sẽ có thể có làn sóng FDI rời khỏi Việt Nam giống như làn sóng đã rời khỏi Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra của những người Mỹ, sau khi FDI rời đi hoặc giả định FDI rời đi Việt Nam còn lại gì, câu này tác động rất mạnh đến chúng tôi” - Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân). |
Từng bước nâng dần nội lực của doanh nghiệp
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, ngành dệt may vẫn được nhận diện gia công là chủ yếu nhưng phương thức gia công hiện nay không đơn giản như các mô hình trước đây khi Việt Nam mới thu hút các doanh nghiệp FDI. Theo bà Xuân: “Hiện gia công phải nâng cao trình độ lên rất nhiều. Ví dụ, trước đây, trong mối quan hệ với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt thụ động từ mẫu mã, đến công nghệ. Nhưng hiện nay, trước thách thức về chi phí sản xuất, nếu chỉ làm đơn giản và thụ động thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng”.
|
Ngành da giày đang thực hiện đúng lộ trình nội địa hóa. |
Đó là những yêu cầu buộc doanh nghiệp Việt phải liên kết chặt chẽ hơn, chủ động hơn về phát triển mẫu mã, thay đổi công nghệ. Thực tế, phải đáp ứng được những yêu cầu về mẫu mã, công nghệ từ phía đối tác mới có đơn đặt hàng nên doanh nghiệp không thể làm gì khác ngoài việc buộc phải thay đổi, phải đầu tư để tạo ra hiệu quả. “Phải có công nghệ thì mói có đơn hàng, phải tuân thủ các điều kiện mới trong công cuộc chuyển đổi xu hướng sản xuất theo hướng xanh hóa đang thay đổi trên toàn cầu mới có đơn hàng, buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Gia công giờ khắc nghiệt hơn nhưng lại làm cho doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng nâng cao nội lực tốt hơn” - bà Xuân khẳng định.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khẳng định, nguồn lực của dệt may Việt Nam hiện giờ cũng thay đổi. Nguồn lực này bao gồm nguồn lực cho ngành công nghiệp phát triển thời trang, nguồn lực cho công cuộc chuyển đổi số, quản lý số và nguồn lực cho ngành phát triển công nghệ đối với một số lĩnh vực then chốt của ngành.
|
Dệt may đang từng bước nâng dần nội lực. |
“Phát triển thời trang, gia công đơn hàng không còn thuần túy như trước nữa vì chúng ta phải chủ động mẫu mã, tự sáng tạo để chào bán cho khhách hàng toàn cầu, đồng thời chủ động cho ngành thời trang trong nước” - ông Giang nói.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thông tin, hiện tại, Viện đã hoàn thành dự thảo đối với 3 chiến lược phát triển ngành thép, sữa và ô tô, đã trình Chính phủ chờ phê duyệt. Khi những chiến lược này được thực thi, các ngành thép, sữa và ô tô sẽ phát triển lành mạnh nhờ các chính sách và công cụ quản lý nhà nước cụ thể. Các DN có thể hưởng lợi từ các các biện pháp hỗ trợ cụ thể được đề xuất trong các chiến lược, từ đó nâng dần nội lực cho doanh nghiệp Việt.
Ví dụ, tại các đề xuất chiến lược này, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có thể được khuyến khích tham gia vào các dự án xây dựng lớn của Nhà nước như đường sắt, các công trình xây dựng quy mô lớn… Ngành sữa được hưởng những chính sách ưu đãi nhằm phát triển vùng nguyên liệu; phát triển các mặt hàng sữa có giá trị gia tăng cao như sữa công thức; tham gia các dự án chính phủ về phát triển nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ em Việt Nam; Các doanh nghiệp ngành ô tô được khuyến khích phát triển các loại xe tiết kiệm năng lượng, xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…
Như vậy, có thể thấy, trong các lĩnh vực vốn được nhận diện là chất lượng lao động kỹ năng cao chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ cũng đã có những biến chuyển nhất định để đáp ứng cuộc chơi toàn cầu, qua đó doanh nghiệp tự nâng cấp giá trị. Hoặc những ngành đòi hỏi trình độ kỹ năng tay nghề cao cũng đã có “bàn đạp” để có thể đi tiếp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Hiện gia công phải nâng cao trình độ lên rất nhiều. Ví dụ, trước đây, trong mối quan hệ với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt thụ động từ mẫu mã, đến công nghệ. Nhưng hiện nay, trước thách thức về chi phí sản xuất, nếu chỉ làm đơn giản và thụ động thì chắc chắn sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Phải có công nghệ thì mói có đơn hàng, phải tuân thủ các điều kiện mới trong công cuộc chuyển đổi xu hướng sản xuất theo hướng xanh hóa đang thay đổi trên toàn cầu mới có đơn hàng. Gia công giờ đòi hỏi khắc nghiệt hơn nhưng lại làm cho doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng nâng cao nội lực tốt hơn” - Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam. |
Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy khẳng định: “Tôi có niềm tin vào nội lực của chúng ta vì chúng ta có những doanh nghiệp tốt, những cá nhân tốt nên cần phải đặt niềm tin vào chính mình. Tuy nhiên, đi cùng với đó phải cần có những giải pháp cho giai đoạn bứt phá trong thời gian tới đây”.
Và trước khi những quyết sách lớn của Chính phủ được thực thi đồng bộ, hiện Ban VI đang có nhiều hoạt động quy tụ khối doanh nghiệp trong nước thành một, để tạo ra những doanh nghiệp tiên phong, có thể dẫn dắt trong từng ngành, lĩnh vực của mình.
|
Cần xây dựng thêm nhiều doanh nghiệp lớn, tiên phong ở Việt Nam (ảnh minh họa). |
“Chúng tôi vẫn hay thường hay nói với nhau câu chuyện làm thế nào để có nhiều hơn những doanh nghiệp lớn bởi kể đi kể lại thì cũng vẫn chỉ là một số cái tên quen thuộc xuất hiện trong các cuộc đối thoại với Thủ tướng. Làm thế nào có nhiều hơn những gương mặt như thế luôn là một câu hỏi khó và đặc biệt, khi nhìn vào những số liệu mang tính vĩ mô thì chúng tôi nhận thấy, số lượng doanh nghiệp lớn và vừa, qua nhiều năm gần như không thay đổi. Vì sao vừa mà không thành lớn? Vì sao nhỏ mà không vươn lên thành vừa” - bà Thủy chia sẻ.
Do đó, hiện Ban IV đang “nhận diện” những doanh nghiệp tiên phong. Đó có thể chưa phải là doanh nghiệp lớn, điển hình của ngành, lĩnh vực nhưng họ có khát vọng, có mô hình, đã có những “đường đi nước bước” bước đầu tốt, sáng… Và sẽ tập hợp được những mạng lưới với những doanh nghệp tiên phong trong từng lĩnh vực như vậy. Sau đó, tìm nguồn lực để tiếp sức, nuôi dưỡng đội ngũ DN này.
Đáng chú ý, bà Thủy khẳng định, khi đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực thì Ban IV cũng đã thấy những “địa chỉ đỏ”, là những doanh nghiệp đang cố gắng thử những bước đi đầu tiên bằng chính nguồn lực của họ. Với những DN này Ban IV luôn sẵn sàng cộng hợp và chung tay với họ. Tiếp đó, sẽ là bước thử và tạo câu chuyện điển hình. Từ việc thử và tạo câu chuyện điển hình này thì bắt đầu đã nhận diện được ra những doanh nghiệp thực sự tiềm năng và có tố chất để tiếp tục các bước tiếp theo, vun sức và chung tay để xây dựng thành những doanh nghiệp tiên phong, điển hình, dẫn dắt trong nước.
(Mời đón đọc Bài cuối: Những khuyến nghị để nâng cao nội lực cho doanh nghiệp Việt)