Cơ hội để hiện thực hóa những khát vọng lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có thể bắt đầu từ những nhận diện thẳng thắn về nội lực của nền kinh tế, song song với thực hiện cuộc cách mạng về cải tổ bộ máy; Cùng với đó, tận dụng lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài để từng bước thúc đẩy doanh nghiệp Việt hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu…
Năm 2024, thay vì “ngủ quên” trên chiến thắng khi kim ngạch xuất nhập khẩu đang dần tiến tới kỷ lục lịch sử - 800 tỷ USD, thì Bộ Công Thương lại có những nhận định rất thẳng thắn khi nhìn nhận giá trị của Việt Nam trong con số kỷ lục kia chỉ chưa đến 30%. Đây được đánh giá là động thái rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Không say sưa với những con số kỷ lục xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8%, xuất siêu ước đạt 24,1 tỷ USD. Như vậy, năm 2024 là năm thứ 9 cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu. Tuy nhiên, năm 2024, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhìn nhận rất thẳng thắn, cụ thể về “phía sau” con số tăng trưởng kim ngạch XK liên tục hàng năm, bất chấp thế giới vẫn còn gặp khó khăn, chậm phục hồi sau Covid-19.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thừa nhận, hoạt động XK mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch XK của Việt Nam do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) mang về với tỷ trọng khoảng trên 70%. Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các doanh nghiệp FDI tạo ra. Cán cân thương mại của DN trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng.
Chưa kể, với tỷ trọng chiếm 70% kim ngạch XK nhưng XK của khu vực doanh nghiệp FDI phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Kim ngạch xuất nhập khẩu đang hướng đến mốc kỷ lục 800 tỷ USD |
“Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế” - Thứ trưởng Thắng chỉ rõ.
Thực tế, câu chuyện kim ngạch XK của Việt Nam phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI không phải đến thời điểm này chúng ta mới nhận ra. Nhiều năm nay, các câu hỏi xoay quanh việc doanh nghiệp FDI chiếm thị phần xuất khẩu quá lớn đã được nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức nghiên cứu quốc tế, các định chế tài chính lớn của thế giới đặt ra.
Mới đây nhất, Báo cáo “Việt Nam 2045 Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (WB) công bố hồi đầu tháng 12/2024 cũng đã tiếp tục đề cập thẳng thắn đến vấn đề này. Theo đó, WB nhận định: “Đằng sau mô hình XK hiện nay của Việt Nam là cấu trúc nền kinh tế kém, trong đó XK chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp FDI với sự tham gia hạn chế của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, tuy đã chuyển dịch nhanh sang các lĩnh vực chế tạo chế biến công nghệ cao, nhưng tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng. Theo phân tích của WB, giá trị bình quân trên mỗi đơn vị XK (một chỉ tiêu về chất lượng XK) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, cho thấy sự chuyển dịch sang hàng điện tử XK có giá trị cao hơn trong hai thập kỷ qua. Nhưng số lượng vẫn là động lực chính cho tăng trưởng XK khi khối lượng XK tăng lên đến gần mười lần trong cùng kỳ.
“XK của Việt Nam dựa trên tỷ trọng các hoạt động sản xuất cao hơn nhiều so với toàn bộ các quốc gia so sánh, cao hơn đáng kể so với Thổ Nhĩ Kỳ (55%) và gấp đôi tỷ trọng của Philippines (42%). Hơn nữa, tổng kim ngạch XK của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các hoạt động sản xuất và điều này hầu như không thay đổi kể từ năm 2000” - WB đánh giá.
Thu hút vốn FDI cao nhưng doanh nghiệp Việt hưởng lợi thấp
Báo cáo công bố hồi đầu tháng 12 của WB nhận định: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là địa chỉ thu hút vốn FDI hàng đầu trong khu vực, với dòng vốn vào bình quân đạt 4,6% GDP - vượt qua tất cả các quốc gia so sánh khác trong năm 2022. Tính theo tỷ lệ so tổng đầu tư (tổng đầu tư toàn xã hội), vốn đầu tư FDI đóng góp bình quân 15%, lại một lần nữa thuộc dạng cao nhất trong khu vực Đông Á.
|
Việt Nam nổi lên là quốc gia thu hút vốn FDI hàng đầu khu vực |
Trong các ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất phải kể đế lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Hầu như hàng năm, số lượng vốn hút FDI từ ngành này đều nhiều nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đây cũng là điểm sáng, đóng góp vô cùng quan trọng trong tăng tưởng GDP hàng năm của Việt Nam.
Nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề: “Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị XK mà phải tính bằng năng lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao Chúng ta cần phải xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các doanh nghiệp của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này”.
WB cũng đánh giá, mặc dù hiện nay Việt Nam đang XK hàng hóa có công nghệ khá cao, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong những mặt hàng XK đó lại tương đối thấp. Các mặt hàng chế tạo chế biến đóng góp 65% tổng giá trị gia tăng trong nước của hàng XK, nhưng tỷ trọng này thấp hơn khi nhìn vào các mặt hàng chế tạo chế biến giá trị cao như hàng điện tử (khoảng 15% tổng giá trị gia tăng trong nước so với 18% của hàng dệt). Hầu hết các hoạt động XK phụ thuộc vào hàm lượng nhập khẩu, bao gồm linh kiện và cấu kiện, và phần nhiều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ thu được một tỷ lệ nhỏ tổng giá trị gia tăng của hàng hóa được quốc gia XK.
Chưa kể, trong thu hút FDI, lợi thế của Việt Nam vẫn được nhận diện là lao động giá rẻ. Tuy nhiên, WB nhận định, lợi thế của mô hình xuất khẩu hiện nay chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp và xuất khẩu thâm dụng lao động sẽ giảm dần vì lương chắc chắn sẽ tăng lên. Chi phí lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến (thu nhập bình quân cho mỗi giờ lao động) đã tăng gần ba lần ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020 lên đến 4,9 USD mỗi giờ, hiện đã cao hơn so với Philippines và Indonesia, nhưng vẫn thấp hơn so với Malaysia, Trung Quốc hoặc Thái Lan.
Nguyên nhân nào khiến nội lực còn yếu?
Nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới khi kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp 2 lần tổng GDP. Trong kim ngạch xuất nhập khẩu thì khu vực FDI chiếm trên 70% và giá trị kim ngạch đến chủ yếu từ ngành công nghiệp.
Trong khi đó, Tư lệnh ngành Công Thương không ngần ngại đánh giá “ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi”. Đồng thời cho rằng “đây là điều phải nhìn lại khi chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
|
Doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều và sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. |
Nhận diện các nguyên nhân dẫn đến công nghiệp của Việt Nam còn yếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta vẫn thiếu chủ động và chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách còn phân tán, nhỏ lẻ chưa thật sự hấp dẫn, chưa khả thi, thậm chí kém hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.
“Đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ không ít; đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không dưới 2% ngân sách hằng năm cũng không phải ít nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, một phần do chất lượng công tác tham mưu” - Bộ trưởng Diên nói.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng Diên cho rằng, những nước khác hút đầu tư vào bán dẫn đã hỗ trợ rất lớn cho nhà đầu tư như Mỹ đầu tư 280 tỷ USD, Trung Quốc hỗ trợ 92 tỷ USD; Hàn Quốc hỗ trợ 61 tỷ USD nhưng Việt Nam “không có tỷ nào”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khiến nội lực kinh tế Việt Nam chưa thể vươn tầm sau gần 30 năm thu hút FDI được nhiều chuyên gia nhận diện là do “chúng ta chưa có các cam kết cụ thể để buộc doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) cho rằng, phải có chính sách cụ thể để có thể thực thi các cam kết giữa nhà đầu tư FDI với doanh nghiệp trong nước trong việc chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, dù khi cam kết đầu tư là họ có hỗ trợ nhưng thực sự thấp. Thực tế, khi nhìn vào các đề án, các dự án đầu tư thì đều thấy các cam kết được chỉ ra rất rõ ràng, nhưng không có ràng buộc gì để thực hiện các cam kết này.
(Mời đón đọc Bài 2: Doanh nghiệp phải từng bước nâng dần nội lực)