Chính phủ đề xuất truy thu thuế đối với tài sản kê khai không trung thực, không kê khai và bổ sung quy định tại luật Thuế thu nhập cá nhân để áp mức thuế 45% với loại tài sản này.
Sáng nay (11/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập.
Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết, qua tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, tại điều 59 của dự thảo luật.
Cụ thể, dự thảo luật quy định trường hợp kết luận tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cục thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Chính phủ thiên về phương án trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cục thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế (45% tổng giá trị tài sản, thu nhập).
Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản đó có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. |
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Chính phủ lựa chọn phương án này vì cho rằng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ bằng chứng xác thực việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo pháp luật. "Việc không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản là để tránh hiểu hợp pháp hoá 55% giá trị tài sản còn lại", ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin thêm, cơ quan Chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc - UNODC, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã coi việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là một phương thức thu hồi tài sản thay thế.
Phương án thu thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, trong đó có từ hành vi có dấu hiệu tham nhũng, đã được thực hiện ở một số quốc gia như Mỹ, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, riêng đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Do đó, việc bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.
Tuy nhiên, cũng theo bà Lê Thị Nga, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu PCTN.
Bà Nga cho rằng, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản.... Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Đồng thời, cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật” – bà Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết thêm, ngoài 2 loại ý kiến ủng hộ hai phương án do Chính phủ trình thì có ý kiến đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Cho rằng đề xuất của Chính phủ rất hay, song bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ, việc thu thuế tài sản cũng như minh bạch thu nhập ở các quốc gia áp dụng thu thuế đối với tài sản không có nguồn gốc rõ ràng như thế nào.