Ông Trump đã sa thải những nhân vật ôn hòa, và thế vào đó, đưa ra các đề cử là những nhân vật “diều hâu” cực đoan về an ninh quốc gia.
Những người chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây bày tỏ lo ngại về tốc độ sa thải quan chức cấp cao ở Nhà Trắng, hiện đã lên đến con số kỷ lục so với bất kỳ đời tổng thống nào của Mỹ. Ông Trump đã sa thải hơn 1/3 số quan chức cấp cao trong năm đầu tiên làm chủ Nhà Trắng. Các Tổng thống Obama, Bush, Clinton, và Reagan chỉ thay đổi chưa tới 1/10.
Những người chỉ trích lo ngại rằng các quyết định sa thải trên là kết quả của phong cách quản lý rất có vấn đề của ông Trump. Vị tổng thống – tỷ phú này được cho là rất thích để các quan chức dưới quyền mình đối chọi nhau. Ông nói rằng thích nghe sự thật, nhưng lại đánh đồng việc nói ra sự thật với không trung thành.
Ông đánh giá cao sự trung thành nhưng bản thân ông không phải là người như thế. Ông tìm kiếm ai đó để giơ đầu chịu báng cho những lỗi lầm của ông. Ông tránh đối đầu bằng cách khởi động các chiến dịch xì xào chống lại người mà ông muốn sa thải. Tất cả những điều này gây ra sự hỗn loạn trong Nhà Trắng.
Trong khi có nhiều bằng chứng để ủng hộ học thuyết cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm về sự rối loạn ấy, những người chỉ trích trên truyền thông và ở phe đối lập nghĩ khác. Không chỉ là Nhà Trắng đang bị quản lý tồi, mà còn bị định hình tệ hơn nhiều.
Một “người ngoài cuộc” đến Washington
Ông Trump tranh cử tổng thống như một người ngoài Washington, không có bất cứ rắc rối nào về chính trị. Cử tri của ông bị thu hút bởi lời hứa rằng sẽ làm sạch “đầm lầy”: Washington đã trở nên nổi tiếng bởi các đặc lợi, các chính trị gia tham nhũng, và giới tinh hoa chỉ lo tư lợi.
Khi ông Trump đắc cử tổng thống, “các sinh vật nhầy nhụa” này (từ mà ông nói) đã nổi lên chống lại các nỗ lực cải cách của ông và bảo vệ lợi ích của họ. Những người phản đối ông Trump – thường được gọi là “Người chống cự” – đã bắt đầu làm mất uy tín ông ngay sau khi ông đắc cử, đến mức có những lời kêu gọi ông rời nhiệm sở.
Các tổng thống mới nhậm chức thường dựa vào đảng chính trị của mình để chỉ định các quan chức cấp cao cho chính quyền mới. Hầu hết các tổng thống là những người giàu kinh nghiệm làm việc trong chính quyền, mang theo mình nhiều công chức tài giỏi, trung thành và tận tụy để phục vụ chính quyền mới, đồng thời thu hút những người nổi tiếng muốn đóng góp cho chương trình nghị sự của họ.
Ông Trump không có lợi thế nào trong số đó.
|
Sau khi thành tổng thống, ông Trump đã bổ nhiệm Jared Kushner, con rể làm người phụ trách các quan hệ đối ngoại liên quan đến xung đột Israel – Palestine. Ảnh: Filmmagic |
Không có người tình nguyện. Nhiều người giỏi lẽ ra đã có thể trở thành các ứng cử viên tuyệt vời cho các chức vụ cao, nhưng đã từ chối ông Trump khi được đề nghị. Bản năng của họ đã đúng. Những người phục vụ trong chính quyền của ông Trump đều bị mất uy tín vì các hành động của ông hay vì họ mạnh mẽ phản đối tổng thống. Gần như tất cả những người bị sa thải hoặc buộc phải ra đi đều đã phải chịu đựng những dòng tweet đầy thành kiến của ông Trump trên Twitter.
Ông Trump tấn công những người mà ông ghét đang phục vụ ông trong chính phủ. Ông đã không biết rõ về người mà ông bổ nhiệm. Ông không có tổ chức chính trị nào để kiểm tra sự ủy nhiệm dành cho họ. Ông đã nhầm khi chọn những người cực đoan hay nổi tiếng, thay vì chọn các chuyên gia, nhà quản lý hay các nhà hoạch định chính sách tài năng.
Nhiều người ông bổ nhiệm đã làm việc cho ông trong lĩnh vực tư nhân trước đây, nhưng không có kinh nghiệm nào trong việc điều hành chính phủ, hay thậm chí chẳng có kinh nghiệm gì hữu ích. Tệ nhất là ông đưa cả các thành viên thân thiết trong gia đình mình vào chính phủ.
Những người cực đoan. Sai lầm lớn nhất của vị tổng thống “tập sự” Trump là việc bổ nhiệm Steve Bannon làm cố vấn chính trị cấp cao. Ông Trump chỉ biết ông Bannon một vài tháng trong chiến dịch tranh cử. Ông Bannon - từng là Giám đốc Breitbart News, một trang mạng chống chính phủ, chống nhập cư và đề cao người da trắng - đã thuyết phục ông Trump ngả sang cực hữu về chính trị.
Các quan điểm khác. Các tổng thống thường dựa trên những người ủng hộ mình để áp dụng chính sách. Trong chính quyền Trump, các quan chức cấp cao thường mâu thuẫn với Tổng thống. Rex Tillerson đã bị sa thải sau khi tiếp tục bày tỏ quan điểm trái ngược với ông Trump trong chính sách đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông Trump đã rất bực mình, đến nỗi ông tuyên bố sa thải vị ngoại trưởng đầu tiên của mình... trên Twitter.
Chủ nghĩa gia đình. Jared Kushner, con rể của ông Trump, được bổ nhiệm làm người phụ trách các quan hệ đối ngoại liên quan đến xung đột Israel – Palestine, dù chẳng có chút kinh nghiệm nào về lĩnh vực này. Kushner sau đó tiếp tục can dự với các quan chức khác trong Nhà Trắng, bí mật tìm cách làm giảm uy tín của họ. Kushner thường vi phạm các quy tắc tiêu chuẩn, vượt mặt nhân viên cấp cao và trực tiếp thảo luận với bố vợ về các vấn đề chính sách.
Những người nổi tiếng. Ông Trump đã bổ nhiệm những người nổi tiếng vào các vị trí quan trọng. Thái quá nhất là trường hợp của Anthony Scaramucci, một tỷ phú ăn chơi, vào vị trí Giám đốc Truyền thông. Ông này đã lật úp Nhà Trắng bằng “hành động lừa đảo”. Ông đã bị sa thải trong vòng 6 ngày. Sau đó được thay thế bởi một cựu người mẫu. Cô này cũng buộc phải từ chức do bê bối câu kết với người Nga. Một giám đốc truyền thông khác, Omarosa Manigault Newman, cũng đã bị sa thải khi ông Trump biết cô này từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Người tập sự” của ông. Khi được hỏi, chẳng nhân viên nào trong Nhà Trắng biết công việc của cô này là gì.
Những người lưu nhiệm từ nhiệm kỳ trước. Vì ông Trump không có siêu cấu trúc tổ chức nào nên ông rất chậm chạp trong việc bổ nhiệm nhiều vị trí cấp cao. Khi ông đưa ra bổ nhiệm nào đó, những “Người chống cư” trong Quốc hội và truyền thông ngăn chặn họ nhậm chức. Hậu quả là, các quan chức dưới chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama được lưu nhiệm.
Ông Trump đã sa thải Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe vì là một nguồn rò rỉ cho giới truyền thông và câu kết chống lại ông, và giúp chiến dịch của bà Hillary Clinton. Không thể bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của Bộ Ngoại giao, ông Trump sa thải toàn bộ đội quản lý dưới thời Obama, khiến ông Rex Tillerson gần như phải làm việc một mình trong Bộ.
Những người không có năng lực. Cũng có những người giỏi làm việc cho ông Trump nhưng bên cạnh đó là vô vàn những người không có năng lực, lẽ ra không nên hiện diện trong chính phủ. Giám đốc nhân sự Reince Priebus chẳng hạn. Vị trí của ông Priebus có quyền lực nhất trong Nhà Trắng, nhưng ông lại để cho ông Trump dắt mũi, mất khả năng kiểm soát tổ chức và đã bị sa thải.
Những kẻ phá hoại. Tình trạng rò rỉ tin tức ra truyền thông đã và đang là vấn đề lớn nhất đối với bất cứ chính quyền nào gần đây. Một số tin tức rò rỉ đã hủy hoại ông Trump. Nhiều tin tức khác thì làm mất uy tín đối thủ của ông. Ngoài ra còn có những người tiết lộ những việc làm sai lầm trong một tổ chức cho công chúng hoặc cho những người có trách nhiệm liên quan. Hầu hết các rò rỉ là phạm pháp. Một số người đã bị sa thải vì cố ý gây hại cho ông Trump.
Tác động
Một bài học lớn rút ra là người Mỹ có lẽ nên lường trước sự rối loạn khi họ bầu chọn những người “ngoài tổ chức” chỉ vì hứa hẹn cải cách hệ thống chính trị hay biến đổi nó một cách cực đoan.
Điều không được nói đến chính là việc này đang có lợi cho ông Trump. Ông sa thải nhân viên, hoặc buộc phải sa thải họ - những người ngăn cản chính sách của ông. Các bổ nhiệm thay thế của ông đang ngày càng phù hợp với các mục tiêu của ông hơn.
Tuy nhiên, tin xấu là “Người chống cự”, dù loại bỏ được các bổ nhiệm của ông Trump, lại có nguy cơ tạo ra một chính phủ khiến họ lo sợ nhất. Ông Trump đã sa thải những nhân vật ôn hòa như Tillerson hay McMaster. Thế vào đó, ông đưa ra các đề cử là những nhân vật “diều hâu” cực đoan về an ninh quốc gia.
Đây không phải là chính quyền mà Mỹ cần trong thời kỳ toàn cầu có nhiều biến động lớn.
Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, ĐH Carnegie Mellon