Hôm nay, các cơ quan của chính quyền của tỉnh An Giang sẽ rút lại các quyết định xử phạt với ba cán bộ, “can tội” chê Chủ tịch UBND tỉnh.
Một kết quả có được do áp lực từ dư luận, báo giới, dù cho cơ quan chính quyền và đảng ở tỉnh An Giang vẫn quả quyết việc xử phạt hành chính là đúng, không sai; kỷ luật đảng là còn nhẹ.
Còn ông Chủ tịch tỉnh vẫn ấm ức: “Những lời bình luận trên facebook làm ảnh hưởng đến tôi, mình không vậy mà người ta lại nói vậy”.
|
(Ảnh Pháp luật TP. TPHCM) |
Theo lời ông Chủ tịch tỉnh thì, ông là người không xa dân, mặt ông không kênh kiệu?
Mới mấy ngày hôm trước, tỉnh An Giang vẫn cho là, việc xử phạt ba cán bộ là đúng, là không sai, không hiểu sao đến hôm nay thì ông Chủ tịch tỉnh Vương Bình Thạnh lại nhận thấy, cơ quan tham mưu ra quyết định chưa chuẩn, thiếu cân nhắc làm ảnh hưởng đến cá nhân ông. Và mấy cơ quan tham mưu này lại bị Chủ tịch tỉnh phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm.
Dư luận thấy “thương” cho 16 cơ quan - một lực lượng hùng hậu chưa từng có - vào cuộc một cách nhanh nhảu để truy tìm chủ nhân đã “cả gan” viết status, lời bình luận xúc phạm chủ tịch tỉnh.
Dư luận vẫn không đồng tình khi ông Vương Bình Thạnh nói rằng đã tha thứ cho ba cán bộ.
Sao lại là tha thứ?
Rõ ràng, lời bình luận trên facebook chỉ là lời nhận xét của cá nhân người dân. Đó là quyền của người dân với công bộc của mình, tại sao người dân lại không có quyền được bày tỏ nhận xét của mình về người mà Hội đồng nhân dân-do dân bầu - thay mặt dân tín nhiệm bỏ phiếu bầu làm chủ tịch tỉnh?
Chẳng lẽ, khi được bầu làm chủ tịch tỉnh, là quan rồi, dân không được chê, không được phê bình. Nói lời “nghịch nhĩ” là mắc tội “khi quân”?
Bài học xử lý khủng hoảng truyền thông, liệu có giúp An Giang thấy đó là một bài học đắt giá. Hơn ai hết, người hứng chịu sự khủng hoảng này không ai khác chỉnh là ông Vương Bình Thạnh. 16 cơ quan tham mưu đã “đưa bóng đến chân” cho dư luận và giới truyền thông…sút vào lưới.
Nhân chuyện ông chủ tịch Vương Bình Thạnh bị dân chê. Dân bị phạt bị chê lãnh đạo. Nhà báo Lưu Trọng Văn đã kể lại câu chuyện “đầy tớ và chủ” nhân 93 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922), mới thấy là công bộc của dân đâu chỉ là cái ghế ngồi.
Đó là chuyện về bà Cúc, doanh nhân nổi tiếng trong ngành tiểu thủ công nghiệp ở TP HCM
Lời bà Cúc:
Ông Sáu đến xưởng của tôi. Tôi đóng cổng không cho ông vô. Ông cứ đứng ngoài chờ. Ba mươi phút sau thấy ông vẫn đứng ngoài nắng chờ, tôi mới mở cổng cho ông vô. Tôi bảo, đầy tớ đến nhà bà chủ làm gì? Bà chủ này nghèo mời đầy tớ uống nước lọc vậy.
Ông Kiệt không tỏ ra giận dữ trước những lời châm chọc sâu cay của tôi. Ông bình tĩnh ngồi xuống ghế rồi uống nước. Cùng trong phòng của tôi lúc ấy có hai cô giáo đang chăm chú làm việc. Tôi bảo, đây là hai bà chủ vì đi dạy học không đủ sống nên đến đây làm thêm đó đầy tớ à.
Ông Kiệt bần thần một lúc rồi đến bên hai cô giáo, ông hỏi các cô dạy học ở đâu, lương bao nhiêu. Nghe xong, ông bảo, lãnh đạo không chỉ có mình tôi, nhưng tôi xin hứa sẽ đem sự thật này ra để thuyết phục các lãnh đạo khác phải quan tâm thật sự đến đời sống giáo viên.
Phía ngoài có một chị bị tàn tật ngồi bệt trên sàn cặm cụi đan lát thủ công. Chị muốn được nhòm thấy mặt ông lãnh đạo Đảng và nhà nước, nhưng không dám vào phòng. Tôi kéo chị ấy vô ngồi lên ghế.Chị ấy không chịu ngồi lên ghế. Tôi nói. Chị này tàn mà không phế, chứ các ông, tôi chỉ ông Kiệt, các ông không tàn mà đã bị phế.
Ông Kiệt bảo, cháu ơi, cháu ngồi lên ghế đi, bà Cúc đây chửi tôi đau lắm rồi cháu đừng làm tôi đau thêm nữa.
Ông Kiệt ôm lấy chị tàn tật ấy rớm nước mắt.
Khi chia tay, ông bảo tôi, tôi hiểu vì sao chị giận tôi. Ông nắm chặt tay tôi .
***
Câu chuyện trong quá khứ lại là bài học đắt giá cho lãnh đạo ở thời hiện tại và cả trong tương lai. Lãnh đạo mà không coi dân là “gốc” thì làm sao hiểu được dân. Xa dân là lẽ thường tình.
Đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết: Lật thuyền mới biết dân như nước.