Trước đó, vào ngày 6/11, Hội đồng nhân dân tỉnh đã họp thảo luận về dự án giảm khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Dự án sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế, sản xuất cho hơn 24 nghìn hộ dân sống tại 169 thôn/buôn, thuộc 4 huyện khu vực dự án.
Dự án giảm thiểu khí thải
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 15, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án "Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Đắk Lắk".
Cơ quan chủ quản của dự án là UBND tỉnh Đắk Lắk; chủ dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2025 - 2028.
Dự án cũng làm giảm áp lực mở rộng canh tác, nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và say thoái rừng. Ảnh: Trịnh Thơ |
Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu khí thải do mất rừng và suy thoái rừng thông qua giải quyết các nhân tố trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư chiến lược, hiệu quả nhằm phục hồi và quản lý bền vững diện tích rừng. Đồng thời, trao quyền, cải thiện khả năng thích ứng của các cộng đồng và thể chế mục tiêu nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo trong cộng đồng, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Dự án cũng nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp đưa ra chính sách thể chế hóa chiến lược cấp quốc gia, cụ thể hóa vào công tác lập và thực hiện kế hoạch giảm thiểu phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, nỗ lực khôi phục rừng nhằm tạo cơ hội cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Mặt khác, nghiên cứu chiến lược tác động, hỗ trợ đưa ra các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn trong vấn đề sử dụng đất rừng để sản xuất. Hỗ trợ xây dựng, thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm không gây mất rừng, đảm bảo thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng dự án, giảm áp lực mở rộng canh tác, khuyến khích tái trồng rừng, nâng cao trữ lượng các - bon.
Dự án cũng đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng công phục vụ cho sản xuất, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động bảo vệ rừng.
Các địa điểm thực hiện dự án tại các xã: Krông Á, Cư San, Ea Trang (huyện M’Drắk); các xã Cư Yang, Cư Bông, Cư E’lang, Cư Prông (huyện Ea Kar); các xã Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui (huyện Krông Bông); các xã Bông Krang, Đắ Phơi, Đắk Nuê, Krông Nô, Nam Ka (huyện Lắk)...
Dự án sẽ hỗ trợ hơn 8 nghìn hộ nghèo
Quy mô đầu tư của dự án gồm 3 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần 1, các trụ cột thiết kế REDD+ của Việt Nam được hoàn thiện, lồng ghép hoàn toàn vào các khung thể chế chính sách cấp tỉnh với quan hệ đối tác công - tư - nhà sản xuất (4P: sản phẩm - giá thành - kênh phân phối - tiếp thị) được tăng cường để hiện thực hóa REDD+.
Hợp phần này bao gồm các hoạt động sẽ hỗ trợ địa phương đưa ra các chính sách thể chế hoá vào công tác lập, thực hiện kế hoạch giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, nỗ lực phục hồi rừng. Tạo cơ hội cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân thông qua liên kết khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương gần rừng.
Hợp phần 2, giảm phát thải từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất khác (AFOLU) được tạo ra thông qua chuỗi giá trị không gây mất rừng trên nền tảng 4P và tài chính dựa trên hiệu quả thực hiện. Hợp phần này sẽ bao gồm các hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng, thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm không gây mất rừng.
Theo đó, sẽ xác định, lựa chọn thực tiễn sáng tạo thích ứng cho các chuỗi cung ứng không gây mất rừng, góp phần làm giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng. Qua đó, thúc đẩy một cách bền vững và hiệu quả, thông qua triển khai các hoạt động dự án đảm bảo thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng dự án, giảm áp lực mở rộng canh tác, nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng, suy thoái rừng.
Hợp phần 3, quản lý dự án. Hợp phần này sẽ bao gồm các hoạt động nhằm duy trì bộ máy hoạt động của dự án, thực hiện các nội dung giám sát quá trình thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, kế hoạch và các quy định của pháp luật.
Về tổng mức đầu tư, dự án do Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (viết tắt là IFAD) và Quỹ Khí hậu xanh (viết tắt là GCF) đồng tài trợ khoảng 19,53 triệu USD, tương đương khoảng 468,73 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ảnh: Trịnh Thơ |
HĐND tỉnh Đắk Lắk giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao chủ dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nêu trên, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
Theo ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là dự án đa mục tiêu, các hạng mục công trình được đầu tư chủ yếu tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Thông qua việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, kết hợp với nguồn viện trợ không hoàn lại để phát triển các chuỗi giá trị tại các vùng nêu trên, thuận tiện cho sinh hoạt, vận chuyển mua bán hàng hoá nông sản của người dân, kết nối nông dân với các doanh nghiệp cải thiện sinh kế của người dân trong khu vực, trong đó chiếm đa số là người nghèo, đồng bào dân thiểu số.
Việc cải thiện được sinh kế, sản xuất ổn định, người dân sẽ hạn chế việc tác động vào diện tích rừng, có thể sống dựa vào rừng khi các chuỗi giá trị liên quan đến rừng được hình thành và phát triển, duy trì bền vững sau khi dự án kết thúc,
Dự kiến, dự án sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế, sản xuất cho hơn 24 nghìn hộ dân sống tại 169 thôn/buôn trong 15 xã, thuộc 4 huyện khu vực dự án. Trong đó, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 18 nghìn hộ; hộ nghèo là hơn 8 nghìn hộ (trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 7 nghìn hộ).
Những kết quả đạt được từ dự án cũng sẽ tác động tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho các vùng lân cận khi các mô hình nông – lâm kết hợp, chuỗi giá trị được thiết lập, nhân rộng. Đối tượng hưởng lợi gián tiếp là các cộng đồng xung quanh và các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng của dự án, bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch sinh thái.