Trước đó, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn.
Đường dây này liên quan đến nhiều đối tượng ngoại tỉnh, hoạt động tại nhiều địa bàn trong cả nước với phương thức, thủ đoạn khá tinh vi.
Sau khi nghe báo cáo, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập Ban chuyên án để đấu tranh, bóc gỡ tận gốc đường dây này.
Ban chuyên án do Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, có sự phối hợp của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ; Phòng CSGT; Phòng Cảnh sát cơ động; Phòng Tham mưu và Phòng Hậu cần Công an thành phố.
Qua giám sát, chiều ngày 14/6, Ban chuyên án đã tiến hành bắt người phạm tội quả tang đối với Lê Duy Quang (SN 1982) và Lê Minh Trí (SN 1988) và Nguyễn Văn Ánh (SN 1980, cùng trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) về hành vi buôn bán hàng giả.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm hàng trăm thùng sách các loại nghi vấn làm giả với tổng giá trị trên bìa sách hơn 200 triệu đồng.
Ngay sau đó, Ban chuyên án, với sự phối hợp của Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú quận 12) và Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú quận Gò Vấp) là các đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán sách giả với quy mô cực lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Công an cũng đồng loạt bắt giữ nhiều đối tượng khác có liên quan trong đường dây này gồm Phạm Xuân Năng (SN 1990, trú quận 12, là quản lý xưởng in), Phạm Ngọc Kim Điền (SN 1985, trú quận Bình Tân, là đầu mối chuyên bán buôn đi các tỉnh), Phạm Đức Hậu (SN 1973, trú quận 8, là nhân viên khảo sát thị trường, chuyển sách đi tỉnh theo đơn), Lê Hà Thanh (SN 2001) và Nguyễn Văn Tiến (SN 1994, cùng trú quận 12, chuyên nhận và giao sách đi tiêu thụ).
“Chỉ trong khoảng thời gian 12 giờ đồng hồ, Ban chuyên án đã bắt giữ được tất cả 7 đối tượng trong đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả tại TP HCM, bóc gỡ từ khâu mua sắm nguyên vật liệu, tem, in ấn, gia công đóng gói, chuyển sách đi tiêu thụ, phá toàn bộ chuyên án”- Trung tá Nguyễn Kim Trung, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng cho biết.
Quá trình điều tra xác định, khoảng đầu năm 2022, Nguyễn Trung Luật trao đổi, thống nhất cùng Phạm Ngọc Quang (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Quảng cáo Quang Thắng) sản xuất sách giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cùng một số nhà xuất bản khác để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo đó, Luật cung cấp giấy in, đặt số lượng in để Quang tổ chức việc in sách giả tại hai xưởng in của Quang tại địa chỉ số 1416/02 Lê Đức Thọ và số 48, Đường số 5, Phường 13, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đơn giá Luật trả cho Quang là 270.000đ trên 1 ram giấy khổ 60cm x 84 cm.
Phạm Ngọc Quang giao cho Phan Xuân Năng quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động tại hai xưởng in.
Năng là người đặt bản kẽm, trao đổi, thống nhất với Luật về số lượng đơn hàng đặt in, nhận tiền thanh toán của Luật rồi chuyển lại cho Quang.
Sau khi in xong, giấy được để nguyên khổ rồi vận chuyển về xưởng gia công của Nguyễn Trung Luật tại phường Thạnh Xuân 25, quận 12 để cắt, đóng bìa, dán tem giả, đóng thùng.
Số sách này sau đó được vận chuyển đến 3 điểm kho của Luật đặt tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh cất giấu, chờ mang đi tiêu thụ với sự hỗ trợ của các đối tượng khác.
Nguyễn Trung Luật phân phối sỉ sách giả thông qua các đầu nậu, trong số đó có Phạm Thạch Kim Điền.
Số sách lậu là lực lượng Công an thu giữ tại Đà Nẵng trong chuyên án là do Lê Duy Quang và Nguyễn Văn Ánh đặt mua sách giả từ Phạm Thạch Kim Điền để bán lại cho các nhà sách…
Khám xét các địa điểm liên quan, lực lượng Công an đã thu giữ tang vật thu giữ gồm 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách thành phẩm và bán thành phẩm được in lậu trị giá khoảng 12 tỷ đồng cùng toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe nâng, xe ô tô, tem giả, bản kẽm, giấy in...
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, chỉ tính từ năm 2022 đến nay, số sách mà đường dây này đã “đạo, nhái”, in ấn, tiêu thụ lên đến hơn 4 triệu bản.