Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả của Viglacera đến nay vẫn chưa được đối chiếu đầy đủ để xác định công ty có bao nhiêu số nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
|
Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả của Viglacera đến nay vẫn chưa được đối chiếu đầy đủ. |
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công công ty cổ phần của công ty mẹ tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC).
Phạm vi kiểm toán được xác định trong khoảng thời gian từ 1/1/2012 đến 21/7/2014.
Chưa đối chiếu đầy đủ phải thu, phải trả
Theo báo cáo, việc quản lý tài sản, nguồn vốn của VGC đã cơ bản chấp hành chính sách, chế độ tài chính – kế toán theo quy định hiện hành, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế như: đối chiếu nợ phải thu chưa đầy đủ; đối chiếu, xác nhận số dư nợ phải trả chưa cụ thể.
Cụ thể, về đối chiếu nợ phải thu, khoản phải thu của khách hàng mới chỉ đạt tỷ lệ đối chiếu là 53% (366/683 tỷ đồng). Giá trị chưa đối chiếu này chủ yếu là giá trị phải thu của khách hàng mua nhà dự án khu đô thị Xuân Phương – Từ Liêm, dự án khu đô thị Tây Mỗ của Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera.
Khoản trả trước cho người bán cũng có tỷ lệ đối chiếu chỉ đạt 83% (157/188 tỷ đồng). Các khoản phải thu khác có tỷ lệ đối chiếu đạt 96% (316/329 tỷ đồng).
Giá trị các khoản nợ phải thu chưa đối chiếu, xác nhận là: phải thu của khách hàng 318 tỷ đồng, trả trước cho người bán 31 tỷ đồng, phải thu khác 12,8 tỷ đồng.
Về việc đối chiếu, xác nhận số dư nợ phải trả chưa đầy đủ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay các khoản người mua trả tiền trước có tỷ lệ đối chiếu chỉ đạt 34% (26/75 tỷ đồng); phải trả người bán tỷ lệ đối chiếu đạt 92% (480/519 tỷ đồng); phải trả phải nộp khác tỷ lệ đối chiếu đạt 87% (276/314 tỷ đồng).
Các khoản nợ phải trả khác chưa được đối chiếu, xác nhận là: các khoản người mua trả tiền trước 49 tỷ đồng, phải trả người bán 38,7 tỷ đồng, phải trả phải nộp khác 38 triệu đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Viglacera báo cáo rằng số nợ phải thu của Công ty mẹ Tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu khách hàng của các dự án bất động sản. Hiện nay Tổng công ty vẫn đang giữ sổ đỏ của khách hàng mua nhà, do đó khoản nợ phải thu này tiềm ẩn ít rủi ro.
Dù vậy, Kiểm toán Nhà nước vẫn yêu cầu VGC sớm xem xét, xử lý các khoản nợ phải thu, phải trả chưa đối chiếu được để xác định số nợ phải thu không có khả năng thu hồi hoặc số phải trả không phải trả (nếu có) tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần để xử lý theo quy định.
Giá đất vẫn chỉ là tạm tính
Một nội dung đáng chú ý khác của báo cáo kiểm toán là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai khi cổ phần hóa của VGC.
Theo báo cáo, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ngày 1/1/2012, Tổng công ty Viglacera đang quản lý tổng diện tích đất hơn 12 triệu m2, trong đó thành phố Hà Nội gồm 10 lô đất, khu vực tỉnh Bắc Ninh 5 lô đất, Quảng Ninh 2 lô, Bình Dương 3 lô và TP. HCM 1 lô.
Tổng công ty đã lập phương án sắp xếp lại nhà đất và đã được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính chấp thuận và Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất.
Về xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá, khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2011, đơn vị thực hiện xác định lại giá trị trên cơ sở diện tích đang sử dụng, phương án sử dụng và giá đất tương ứng.
Cụ thể, tại Hà Nội, Bắc Ninh, giá đất áp dụng là giá đất tạm tính theo bảng giá đất năm 2012 hoặc giá đất theo quyết định tính tiền sử dụng đất. Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã có văn bản về việc phê duyệt đơn giá đất để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đối với các lô đất xây dựng nhà ở khu dân cư Tân Bình, Dĩ An gồm: lô 5.015m2, lô 5.048m2, lô 2.814m2.
Tháng 5/2014, VGC đã có văn bản gửi Sở Tài chính Hà Nội và Sở Tài chính Bắc Ninh xin ý kiến chính thức về giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa.
Sở Tài chính Hà Nội và Sở Tài chính Bắc Ninh sau đó đã có văn bản trả lời về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm chính thức trở thành công ty cổ phần, trong đó không trả lời về giá đất cụ thể mà đề nghị VGC báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tính giá trị quyền sử dụng đất theo phương án đã được phê duyệt, không thực hiện điều chỉnh trên cơ sở Nghị định 189/2013.
Đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất các lô đất trên vẫn là giá tạm tính do UBND tỉnh công bố năm 2012.
“Giá đất tạm tính này là không phù hợp với khoản 2, Điều 31, Nghị định 59/2011 và mục 4, Điều 114 Luật Đất đai”, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định “Các lô đất đã có quyết định giao đất cho công ty cổ phần và làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyển sử dụng đất từ doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần khi chưa có ý kiến giá đất theo giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường là chưa phù hợp với điểm c, mục 2, Điều 31 Nghị định 59/2011 và mục 9.4 Điều 18 Thông tư 202/2011/TT-BTC”.