Một số ý kiến cho rằng việc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cử người tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) các doanh nghiệp mà SCIC nắm giữ cổ phần là không hiệu quả vì đại diện của SCIC là "quan" đi làm kinh tế. Thực hư sự viêc này như thế nào?
Làm đúng vẫn bị... bêu
Theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty SCIC là tổ chức kinh tế đặc biệt của Nhà nước, được thành lập để quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần.
|
SCIC. Ảnh internet |
Nói cách khác, Tổng Công ty SCIC là doanh nghiệp đầu tư tài chính nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước để quản lý cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần.
Kể từ khi thành lập, SCIC được trở thành đại diện của nhà nước để quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại các doanh nghiệp thông qua việc mua bán cổ phần, quản lý sử dụng vốn hiệu quả theo đúng cơ chế thị trường và quy định của Luật Doanh nghiệp.
Do đó, Tổng Công ty SCIC là cổ đông của rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay như: Tổng Công ty Vinaconex (nắm giữ 57,8% cổ phần), Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk (nắm giữ 45,05% cổ phần), Công ty cổ phần dược phẩm Hậu Giang (43,36%), Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco (35,7%) và còn nắm giữ cổ phần của nhiều công ty đang có vị trí dẫn dắt thị trường hiện nay.
Với tư cách là cổ đông lớn và lại là cổ đông nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước nên dĩ nhiên SCIC phải thực hiện quyền, nghĩa của cổ đông là cử đại diện tham gia bộ máy quản lý của các công ty mà SCIC đầu tư vốn.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% cổ phần có quyền cử một đại diện tham gia HĐQT nên không có gì ngạc nhiên khi SCIC lại cử đại diện tham gia HĐQT của nhiều doanh nghiệp.
Việc SCIC cử đại diện tham gia HĐQT của các doanh nghiệp là chuyện bình thường và đúng pháp luật. Thậm chí, một đại diện của SCIC có thể nắm giữ vị trí thành viên HĐQT của nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Như trường hợp của ông Lê Song Mai hay ông Hoàng Nguyên Ngọc, Phó TGĐ của SCIC từng giữ chức chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vinaconex và Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần dược phẩm Hậu Giang. Và, trong từng thời điểm nhất định, việc SCIC không cử đại diện tham gia HĐQT mà thực hiện các cơ chế khác để quản lý vốn cũng không xa lạ gì với quy định về quyền của cổ đông trong công ty cổ phần.
Thế nhưng, việc làm thường tình này lại bị "bêu" là "không đúng" và "không hiệu quả"; bị nghi ngờ như một việc làm trái pháp luật. Điển hình là tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, ngày 30/3/2016 vừa qua của Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco mà SCIC đang nắm giữ 35,6% cổ phần.
Trước cuộc họp này, có ý kiến chỉ trích việc SCIC cử nhân sự tham gia HĐQT của Công ty cổ phần dược phẩm Traphacolà không hiệu quả bằng chính người của doanh nghiệp và công khai cho rằng, việc làm này của SCIC trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành bại của doanh nghiệp.
Dường như sự công kích này quy kết thất bại của doanh nghiệp do lỗi của cổ đông SCIC để gây áp lực cho SCIC tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông quyết định bộ máy lãnh đọa Công ty Traphaco nhiệm kỳ 2016-2020.
Phía sau những chỉ trích
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, Đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty cổ phần phải họp và thông qua các báo cáo, kế hoạch quan trọng.
Do vậy, tháng 4 hàng năm được coi là "mùa" họp của Đại hội đồng cổ đông của các công ty cổ phần. Trong thời điểm này, không chỉ có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh được các cổ đông quan tâm mà các vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng là vấn đề làm nóng các phiên họp.
Đây cũng là thời điểm diễn ra các cuộc đấu tranh và chuyển giao quyền lực nhiều nhất trong các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Cũng có lẽ vì lý do này mà vào khi mùa họp Đại hội đồng cổ đông bắt đầu, nhiều ý kiến không thiện chí nhằm về phía Tổng Công ty SCIC cũng đã xuất hiện.
Không những thế, sự công kích còn chĩa thẳng vào những người đại diện của SCIC tại các doanh nghiệp vì họ bị nghi ngờ được nhận nhiều khoản thù lao do "đóng nhiều vai" tại các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, một cán bộ của SCIC cho biết, các khoản thù lao đối với chức danh thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT tại các công ty do SCIC cử đã được chuyển về SCIC và bản thân họ chỉ được nhận lương và các khoản thu nhập do SCIC trả.
Vì thế, việc "tạo sóng dư luận" bằng những thông tin không chính xác này có thể gắn với những bất bình của các cổ đông khác đối với các quyết định của SCIC và cũng nhằm mục đích nói xấu cổ đông nhà nước này.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Công ty Luật TNHH Trí Minh thì có lý do để hiểu những lời công kích nhằm vào SCIC, là do doanh nghiệp này đang nắm giữ số cổ phần có thể quyết định những vấn đề quan trọng của các công ty cổ phần. Như trường hợp của Công ty Traphaco, với sổ cổ phần 35,6%, SCIC có thể phủ quyết những quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông và đây là điều mà nhiều cổ đông không thích thú gì.
Theo Luật sư Nguyễn Chí Đại việc đổ trách nhiệm kinh doanh không hiệu quả là do việc SCIC cử đại diện tham gia HĐQT các công ty cổ phần là hoàn toàn vô lý. Vì, với tư cách là cổ đông, tiếng nói của SCIC chỉ dựa trên số phiếu biểu quyết. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông là tiếng nói của tất cả các cổ đông, không phải là quyết định của riêng SCIC.
Đối với hoạt động của HĐQT, SCIC cũng chỉ có 1-2 đại diện chứ không phải là toàn bộ HĐQT. Thế nên, sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp này trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà SCIC là cổ đông rõ ràng không phải là công, cũng chẳng phải là tội của SCIC. Việc mổ xẻ và chê trách SCIC chỉ vì đơn vị này là cổ đông lớn xem ra là cách "gây nhiễu" của những tham vọng quyền lực không thể thực hiện được.