Cho rằng khối lượng công việc của các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giao thông, Xây dựng... ở TP HCM là "khủng khiếp", ông Nguyễn Thành Phong không đồng ý đề xuất sáp nhập các cơ quan này.
Chiều 27/3, làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định quan điểm của thành phố là không đồng ý đề xuất việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Tài chính, Xây dựng nhập với Giao thông Vận tải, Quy hoạch và Kiến trúc mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến.
|
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong không đồng ý sáp nhập các sở. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Lấy ví dụ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, ông Phong khẳng định khối lượng công việc của riêng phòng đăng ký đầu tư ở đây là "kinh khủng". Theo lộ trình tăng doanh nghiệp của thành phố đến 2020 thì mỗi tháng sẽ có hơn 4.000 doanh nghiệp mới thành lập. Sở này đang theo dõi hơn 6.700 dự án, làm việc với các doanh nghiệp đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ riêng năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết 273 nghìn hồ sơ, tiếp nhận hơn 50.000 văn bản và phát đi hơn 35.000 văn bản.
"Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở Kế hoạch thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu anh nhập hai sở lại như vậy thì sao làm nổi? Mà không làm nổi sẽ dẫn đến đình trệ công việc, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển của thành phố", ông Phong trăn trở.
Ông Phong cũng cho rằng không thể sáp nhập ba Sở Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông bởi dân số thành phố đang lên đến 13 triệu người, các vấn đề về đô thị, dân sinh là rất phức tạp. Việc tổ chức lại bộ máy nhà nước tại TP HCM phải căn cứ vào đặc thù của thành phố.
Chủ tịch TP HCM lấy ví dụ, trước đây, việc chuyển Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở các quận, huyện về chung một đầu mối thành phố song thực tế công việc phát sinh, phải thành lập chi nhánh văn phòng ở quận, huyện. Bộ máy chưa thấy gọn nhưng việc giải quyết giấy tờ đất đai của người dân đã bị ngưng trệ một thời gian.
Tại buổi làm việc, ông Phong cho biết, cải cách hành chính là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố. Lãnh đạo thành phố xác định thủ tục hành chính tốt sẽ tạo một động lực mạnh mẽ để kinh tế phát triển, nên sẽ chỉ đạo quyết liệt.
Thành phố đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để thể chế hóa, giữ vững ổn định bộ máy, không thành lập tổ chức trung gian, phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, TP HCM chấp hành nhưng vẫn kiên trì kiến nghị trung ương chuyển một số nhiệm vụ từ cơ quan chuyên môn này sang cơ quan khác cho phù hợp thực tiễn.
Song, ông Phong muốn trung ương chia sẻ với TP HCM về việc tạo cơ chế riêng để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của thành phố. Hiện, tốc độ đô thị hóa của TP HCM là hơn 80% đặt ra nhiều vấn đề an ninh trật tự, áp lực giáo dục, y tế rất lớn.
|
Tổ chức bộ máy chính quyền tại TP HCM được đánh giá là không chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Ảnh: T.L |
Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, qua rà soát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, TP HCM đã xác định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đã rõ ràng nên không có sự chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Thành phố hiện có 20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, 24 quận huyện, 322 phường xã, đồng thời đang sử dụng biên chế vượt trên 3.000 chỉ tiêu được giao.
"Biên chế sử dụng cao hơn so với biên chế được giao vì nhiều năm liền thành phố không được tăng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ tăng dân số của thành phố. Nếu không có số biên chế này thì sức ép từ mức độ tăng dân số ngày càng cao, chủ yếu là tăng cơ học, thành phố không đủ nhân lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao", ông Tuyến lý giải.
Ngoài ra, TP HCM khẳng định không có tình trạng lạm quyền và lộng quyền trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp.
Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát - ông Uông Chu Lưu (Phó chủ tịch Quốc hội) ủng hộ việc TP HCM có cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị một cách riêng biệt, phù hợp với điều kiện dân số, kinh tế - xã hội.
Ông Lưu cho rằng, TP HCM cần được phân cấp mạnh trong việc tổ chức thi, xét tuyển cán bộ công chức. Ngoài ra, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi để một số đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như: nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính.
Riêng tại Hà Nội và TP HCM, Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.