Chiều Hà Nội mùa thu 2/9/1945, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình.
|
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân (3/11/1946) - Ảnh: Tư liệu. |
Chọn người tài, đức không vì đảng phái
Bây giờ chúng ta hay nói đến những cụm từ “Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ”. Hồi mùa thu năm 1945 ấy, tuy Chính phủ ta không được gọi như thế, nhưng trên thực tế đã làm như thế. Nói và làm. Đã nói là làm. Nói đi đôi với làm. Nhưng hay nhất vẫn là nói ít làm nhiều.
Sự mở đầu của chính thể mới đầy cam go. Giặc ngoài thù trong. Tình cảnh như ngàn cân treo sợi tóc. Cần một bản lĩnh vượt khó. Cần tầm trí tuệ cao và sáng. Cần một sức mạnh tổng thể từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần… Cần rất nhiều thứ. Và, chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau Lễ Độc lập, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên mà tại đây, Hồ Chí Minh nêu lên tâm điểm của cái sự cần ấy, hướng toàn bộ Chính phủ vào việc cấp bách chống ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
"Một số người trong bộ máy chính quyền kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ; người có tài đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài, quên rằng là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai. " Hồ Chí Minh |
Thời điểm ấy, nhiệm vụ cấp bách nhất là tập hợp một Chính phủ đoàn kết phát huy được toàn bộ tinh túy của các giai tầng trong xã hội mà ngày nay ta thường gọi là Chính phủ kiến tạo và hành động. Trước hết, phải mở rộng thành phần Chính phủ. Một số vị bộ trưởng Việt Minh cộng sản rút lui để nhường chỗ cho đại diện lực lượng khác, thậm chí có cả các lực lượng chính trị đối lập với cộng sản như Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách) vì trong hoàn cảnh cần sự đoàn kết các lực lượng, cần tạo ra sức mạnh để đối phó với sự chống phá của bọn Tưởng Giới Thạch cùng Việt gian. Hồ Chí Minh gọi sự “nhường” này là hành động vì nghĩa cả của dân tộc. Tổ quốc trên hết! Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên hết. Chứ sá gì cái quyền lợi cá nhân và của một vài nhóm nào đó.
Chính phủ kiến tạo và hành động thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể và thiết thực. Không bỏ sót một lĩnh vực nào để chống ba loại giặc mà Hồ Chí Minh đã nêu. Phải làm cho đất nước yên. Có yên mới có phát triển. Vì thế, Chính phủ đã quy mọi hành động đối nội, đối ngoại vào lợi ích quốc gia. Chính phủ lo việc tìm nhân tài, lo sắp xếp cán bộ. Người tài thì có trong mọi thành phần xã hội, chứ đâu chỉ có ở trong những người cộng sản. Phải tạo ra các hình thức tổ chức hòa giải, hòa hợp dân tộc cho tương thích với hoàn cảnh cụ thể của từng lúc và từng nơi. Có hình thức mặt trận dân tộc thống nhất (lúc này là Mặt trận Việt Minh, rồi Liên Việt). Trong thành phần Chính phủ có cả một số cá nhân không thuộc đảng phái nào, thậm chí có cả những người không đảng phái nhưng không ưa cộng sản (điển hình là Huỳnh Thúc Kháng); có cả cựu hoàng Bảo Đại mà ngày 30/8/1945 vừa đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm - hai vật tượng trưng cho chế độ quân chủ phong kiến - cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có cả lực lượng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… những người lưu vong bên Trung Quốc giờ theo chân quân Tưởng Giới Thạch về Việt Nam.
Hồ Chí Minh sẵn sàng dành cho các lực lượng chính trị đối lập và các cá nhân yêu nước không cộng sản khác 70 ghế Quốc hội mà không phải qua Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Rồi Hồ Chí Minh mời cả một loạt các vị không cộng sản khác ra gánh việc nước: Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố; những trí thức, đại trí thức của chế độ cũ làm bộ trưởng của Chính phủ năm 1946 như: Chủ bút báo Tiếng dân - Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Bộ Y tế), Vũ Đình Hòe (Bộ Tư pháp), Ngô Tấn Nhơn (Bộ Canh nông), Chu Bá Phượng (Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật (Bộ Không bộ)… Hồ Chí Minh còn mời cả bác sĩ Trần Duy Hưng, một người chưa am tường gì về chính trị và công việc hành chính, làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Hàng loạt những người không cộng sản lúc đầu còn ngỡ ngàng pha chút mặc cảm, nhưng rồi đều vui vẻ đi theo Hồ Chí Minh và nhận nhiệm vụ của Chính phủ phục vụ đất nước thông qua thể chế chính trị mới.
“Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm”
Tâm điểm của một Chính phủ mới phải là liêm chính và phục vụ nhân dân. Đầu tiên, Hồ Chí Minh xác định Chính phủ là công bộc của dân; các công việc của Chính phủ phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Do đó, Chính phủ phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy. Chính phủ T.Ư đã vậy, còn chính quyền các cấp dưới phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm, “không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các tổ chức đó”.
Ngày 15/10/1945, tức là chỉ khoảng hơn một tháng sau Ngày độc lập, Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư và trước đó ba ngày (12/10/1945), Hồ Chí Minh đã có một bài đăng báo Cứu quốc, số 65, nêu lên rất sớm những căn bệnh mà chính quyền mới mắc phải, đồng thời đề ra những biện pháp cứu chữa. Người đứng đầu Chính phủ nêu: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Hồ Chí Minh chỉ ra những lầm lỗi nặng nề của những người trong bộ máy chính quyền cách mạng bị dân ghét. Dân ghét vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền, lạm dụng quyền lực “có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta…Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó, rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền”. Có một số người lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức “Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. Có một số người thì kiêu ngạo, “tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi…cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên”.
Hồ Chí Minh coi trọng đức trị và rất nghiêm khắc trong phép quản lý hành chính của Chính phủ. Hồ Chí Minh liêm khiết và nêu gương cho cả Chính phủ theo. Không bè cánh. Thực hành tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí dù là một xu của công; kêu gọi những người có ăn mười ngày, nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu đói thì Hồ Chí Minh là người tích cực thực hiện mặc cho nhiều người trong cơ quan Chính phủ can ngăn vị nguyên thủ quốc gia không phải nhịn ăn cứu đói. Ai làm sai, Hồ Chí Minh phê bình đến nơi đến chốn.
Nghiêm khắc lắm, Hồ Chí Minh mới nêu lên những lời cảnh tỉnh trong bức thư ngày 15/10/1945: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên… ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”.
Sau này, Hồ Chí Minh đã ký y án xử tử hình Trần Dụ Châu, nguyên là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu của quân đội vì mắc nhiều tội, trong đó có tham ô, sa đọa bị Tòa án Quân sự xử đến mức án cao nhất. Nay, chúng ta hay gọi tham nhũng là quốc nạn. Nhưng, Hồ Chí Minh không gọi đó là “nạn”, mà gọi tham ô, lãng phí, quan liêu là “Giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, giặc này có khi nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm vì giặc ngoại xâm còn rõ hình thù, chúng ta có thể dùng vũ khí để tiêu diệt chúng, còn giặc nội xâm là thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu gọi là “nạn” thì phải dùng phương pháp chống nạn. Còn đã gọi là “giặc” thì phải dùng phương pháp giết giặc, tiêu diệt giặc.
Kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ của nước Việt Nam mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu đã đứng mũi chịu sào hướng và lái con thuyền cách mạng đi như thế.
Những mùa thu quật khởi của dân tộc từ cái đận khó khăn ấy đã đi qua. Bộ máy còn đó. Dân còn đây. Những thông điệp của Hồ Chí Minh và những dấu ấn của Chính phủ đầu tiên đó nay vẫn còn nguyên tính thời sự.