Do cán bộ không đủ năng lực, kinh nghiệm, nhiều bên mời thầu tại các địa phương đã phó mặc công tác lựa chọn nhà thầu cho đơn vị tư vấn đấu thầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhiều địa phương đã chỉ rõ, kể cả khi có tư vấn đấu thầu, công tác đấu thầu vẫn để xảy ra nhiều sai sót. Theo chuyên gia đấu thầu, đội ngũ cán bộ của chủ đầu tư, bên mời thầu cần chủ động trau dồi kiến thức hơn nữa để hạn chế những sai sót trong đấu thầu.
Phó mặc cho tư vấn đấu thầu
Thực tế tại nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, công tác đấu thầu gặp nhiều tồn tại, hạn chế đa phần xuất phát từ chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu. Nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu đã chọn giải pháp là để đơn vị tư vấn đấu thầu “giúp” thực hiện lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, tư vấn đấu thầu vẫn để xảy ra nhiều sai sót trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Tại TP. Hà Nội, khi tiến hành kiểm tra đấu thầu tại một số đơn vị của Thành phố, một số chủ đầu tư, bên mời thầu khi thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chỉ căn cứ vào kết quả thẩm định của đơn vị tư vấn theo hợp đồng. Trong khi đó, đơn vị tư vấn đấu thầu thực hiện đánh giá và loại hồ sơ dự thầu (HSDT) của một số nhà thầu theo tiêu chuẩn chưa rõ ràng quy định tại hồ sơ mời thầu.
Báo cáo công tác đấu thầu năm 2018 của UBND TP. Hà Nội nêu rõ, chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư còn phụ thuộc quá nhiều vào các đơn vị tư vấn đấu thầu, chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật thường xuyên quy định mới về đấu thầu.
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang nêu thực trạng, năng lực của các đơn vị tư vấn đấu thầu trên địa bàn Tỉnh còn hạn chế, ở một số đơn vị chưa có đủ số lượng cán bộ được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Chỉ rõ một phần nguyên nhân của những sai sót ngay cả khi có đội ngũ tư vấn đấu thầu, UBND tỉnh An Giang cho rằng, một số đơn vị tư vấn đấu thầu chủ yếu hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nên còn hạn chế về kinh nghiệm khi thực hiện tư vấn đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa (máy móc, thiết bị công nghệ cao, hiện đại…). Một số đơn vị tư vấn đấu thầu chưa đi sâu vào nghiên cứu hồ sơ thiết kế của gói thầu, đưa ra yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn xét thầu còn chung chung, rập khuôn.
Theo đánh giá của một số địa phương, mặc dù năng lực hạn chế, phải thuê đơn vị tư vấn đấu thầu nhưng chủ đầu tư đã không kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện dẫn đến nhiều sai sót trong thủ tục, không đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm
Theo một chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu cho phép chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp không đủ năng lực được sử dụng tư vấn để thay mình thực hiện một số nhiệm vụ chức năng của bên mời thầu. Tuy nhiên, dù thuê tư vấn thì chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Vị chuyên gia nêu trên cũng cho rằng, trên thực tế, những sai sót của tư vấn đấu thầu cần được nhìn nhận dưới 2 khía cạnh: có những trường hợp tư vấn đấu thầu yếu kém thực sự, nhất là những đơn vị tư vấn nhỏ lẻ, tại các địa phương; song cũng có những đơn vị tư vấn để xảy ra sai sót một cách có chủ ý để đạt được chủ đích hoặc lợi ích nào đó. Ở trường hợp thứ hai, cũng có khả năng nhiều tư vấn đấu thầu có thể phải chịu thêm ý chí áp đặt chủ quan của chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Khi đó, chất lượng tư vấn cũng khó đạt yêu cầu.
Một chuyên gia khác cho biết, không phải cứ thuê tư vấn thực hiện công tác đấu thầu cho mình là chủ đầu tư đã hết trách nhiệm. “Khi phê duyệt các hồ sơ do tư vấn đấu thầu đề xuất lên thì chủ đầu tư phải tìm hiểu, không hiểu thì phải tìm cách học, trau dồi thêm kiến thức để hạn chế dần những sai sót” – chuyên gia này nhấn mạnh.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, các chuyên gia đấu thầu đề xuất một số giải pháp. Trước mắt, cần tăng cường tập huấn để nâng cao hiểu biết về pháp luật đấu thầu cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu nhằm giảm sự lệ thuộc vào đội ngũ tư vấn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiểu biết về trách nhiệm của từng đối tượng tham gia công tác đấu thầu như: chủ đầu tư có trách nhiệm gì, nhiệm vụ gì, tư vấn làm gì. Quan trọng hơn, cơ quan thanh, kiểm tra cũng phải có “bàn tay sắt” nhằm phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong công tác đấu thầu, từ đó đưa ra biện pháp xử lý, xử phạt, răn đe và nêu gương để những quy định của pháp luật về đấu thầu thực sự đi vào cuộc sống.