Ngày 24/11/2015 được những người đồng tính, người chuyển giới ở Việt Nam xem là một thời khắc quan trọng, có ý nghĩa “lịch sử” khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong đó dành hẳn một điều quy định về chuyển đổi giới tính.
Họ đã xuống đường ăn mừng và bày tỏ sự cảm kích trước quyết định này của Quốc hội. Nhiều hy vọng mới về một tương lai tươi sáng hơn đối với người chuyển giới cũng đang được mở ra.
Thay đổi tư duy
Thông qua quy định cho phép chuyển đổi giới tính không phải là một quyết định dễ dàng hay vội vàng của Quốc hội Việt Nam. Trong suốt quá trình thảo luận về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bên cạnh các ý kiến đồng tình thì cũng có nhiều đại biểu đề nghị chưa nên công nhận việc chuyển đổi giới tính.
|
Người chuyển giới xuống đường trong hạnh phúc |
Báo cáo giải trình, tiếp thu về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...”. Do đó, để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội về quy định mới này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Tôi ủng hộ việc chuyển đổi giới tính. Nếu không thì làm sao có điều luật đó trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Xin nói thêm, ở châu Á rất ít nước thừa nhận quyền chuyển giới. Bộ luật Dân sự Việt Nam thừa nhận như vậy tôi cho là hết sức tiến bộ. Đó là bước tiến quan trọng vì thay đổi tư duy công nhận quyền của một nhóm người chiếm số lượng không lớn trong xã hội. Quy định đó cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 tôn trọng quyền con người. Cái gì của con người cũng gần gũi với mình, dù người ta là thiểu số”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết: “Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng để thực thi quyền thì phải chờ luật, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện”.
Chắc chắn để thực hiện quyền này, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 14 tới, một luật quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính sẽ được bộ chuyên ngành đề xuất.
Nhiều vấn đề phát sinh
Đúng như nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc chuyển đổi giới tính sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình cũng như các chính sách an sinh xã hội. Đơn cử như việc thay đổi tên gọi, xác định lại giới tính trong giấy tờ hộ tịch. Với người chuyển giới, giới tính mong muốn của họ không trùng với giới tính khi sinh ra. Điều này dẫn đến hệ quả là trong đa số trường hợp, tên gọi từ khi khai sinh sẽ không phản ánh đúng nhận dạng giới tính của họ. Việc phải sử dụng một tên gọi nam tính trong khi thể hiện giới hoàn toàn là nữ tính hoặc ngược lại là điều mà họ không mong muốn. Bởi vậy, chắc chắn việc thay đổi tên gọi theo giới tính mong muốn sẽ là một nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người chuyển giới.
|
Người chuyển giới tự tin hơn với cuộc sống mới |
Một vấn đề khác, pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành của Việt Nam không cho phép kết hôn đồng giới. Khi Bộ luật Dân sự chưa cho phép chuyển đổi giới tính thì vì không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ mà người chuyển giới và người yêu của họ được pháp luật coi là hai người cùng giới tính nên không thể kết hôn với nhau. Với quy định mới của Bộ luật Dân sự sửa đổi, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, nghĩa là họ sẽ có các quyền, nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm quyền kết hôn với người khác giới. Đây cũng chắc chắn sẽ là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, trong các trở ngại ngăn cản người chuyển giới thực hiện phẫu thuật chuyển giới thì câu trả lời là điều kiện về kinh tế chưa đủ chiếm tới 79,6%; pháp luật chưa cho phép chiếm 51,9%; các trở ngại khác như sợ bị ảnh hưởng sức khỏe chỉ chiếm 38,4%, còn sợ bị kỳ thị chỉ chiếm 17%. Với quy định mới của Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhiều người đồng giới đang kỳ vọng vào việc được phẫu thuật chuyển giới ngay tại Việt Nam, được tiến hành các thủ tục chuyển đổi giới tính ngay tại Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí để chi trả cho các ca phẫu thuật chuyển giới sẽ bớt tốn kém hơn và cơ hội tìm lại giới tính thực sẽ nhiều hơn đối với nhiều người.