Danh sách các đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ được công bố vào chiều nay (26/1).
|
Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh minh họa). |
Trước đó, vào tối qua, Đại hội XII đã thông qua danh sách bầu cử Ban Chấp hành TƯ khóa XII.
Danh sách chính thức để Đại hội bầu cử Ban Chấp hành TƯ khóa XII được hình thành từ hai nguồn: Nguồn thứ nhất là danh sách do Ban Chấp hành TƯ khóa XI đề cử; nguồn thứ hai là do các đại biểu tại Đại hội ứng cử, đề cử bổ sung.
Theo Quy chế bầu cử tại Đại hội, số dư trong danh sách bầu cử Ban Chấp hành TƯ khóa XII không quá 10-15% và số dư trong danh sách bầu cử Ủy viên TƯ chính thức khóa XII không được vượt quá 30%.
Tuy nhiên, tính đến hết chiều 24/1, có 92 đại biểu được đề cử bổ sung vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành TƯ khóa XII, trong đó có 62 đại biểu được đề cử bổ sung vào danh sách bầu Ủy viên TƯ chính thức và 30 đại biểu được đề cử bổ sung vào danh sách bầu Ủy viên dự khuyết.
Như vậy, số dư đề cử vào danh sách bầu Ủy viên TƯ chính thức vượt quá 30% theo quy định nên Đại hội đã bỏ phiếu kín, kiểm phiếu ngay tại Đại hội và lấy từ cao xuống thấp, đảm bảo đủ tối đa 30% trước khi chốt danh sách đề cử để Đại hội bầu Ban Chấp hành TƯ khóa mới gồm 200 đồng chí.
Đến tận 21h30, phiên họp chốt danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mới kết thúc.
Đại hội XII đã biểu quyết thông qua danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để Đại biểu thực hiện quyền lựa chọn 180 ủy viên Trung ương chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào sáng nay.
Trước đó, Đại hội đã quyết định cho 23 trường hợp đề cử bổ sung bầu Ủy viên chính thức khóa XII được rút khỏi danh sách. Đây là các trường hợp không được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu và đã tự nguyện xin rút, trong đó có Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 12 Ủy viên Trung ương khóa XI và 8 ĐB khác.
Theo Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành TƯ khóa XII cần có cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó dưới 50 tuổi dự kiến 15-20%; từ 50-60 tuổi dự kiến 65- 70%; trên 60 tuổi dự kiến 5-10%; trong đó, các đồng chí tham gia Ban Chấp hành TƯ lần đầu cần đủ tuổi để tham gia được 2 khóa, tối thiểu cũng đủ tuổi tham gia trọn 1 khóa.
Số lượng tái cử dự kiến khoảng 55-60%. Đồng thời, phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ trên 10%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 4-6%, cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 9-10%.
Ngoài ra, có cơ cấu một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia.
Cùng với đó, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII “cần có cơ cấu hợp lý để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan trọng yếu của Nhà nước ở TƯ, địa phương và lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, không nhất thiết địa phương nào, lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành TƯ Đảng” – ông Lê Hồng Anh cho biết.
Đánh giá chung về công tác chuẩn bị nhân sự, quy chế bầu cử tại Đại hội cũng như quy trình thảo luận, biểu quyết nhân sự tại Đại hội, các đoàn đại biểu và đa số đại biểu đều thống nhất với Đề án nhân sự do Ban Chấp hành TƯ khóa XI trình Đại hội và danh sách giới thiệu của TƯ.
Cho rằng “công tác nhân sự đã được chuẩn bị bài bản, công phu, quy trình bầu cử dân chủ, thảo luận thẳng thắn”, đại biểu tin tưởng, căn cứ vào các tiêu chuẩn theo Đề án của Ban Chấp hành TƯ khóa XI, Đại hội sẽ lựa chọn được Ban Chấp hành TƯ khóa tới “có tầm nhìn vượt thời đại, đi trước thời đại để đảm nhận những cương vị cao của Đảng, Nhà nước”.