Nhà báo muốn làm phóng sự điều tra đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì phải "nhập vai" trong từng hoàn cảnh, khi đó phóng viên phải dùng các biện pháp nghiệp vụ và việc ghi âm, ghi hình bí mật là không thể thiếu.
Phóng viên “nhập vai” không thể không ghi âm, ghi hình bí mật
Bộ Công an hoàn thiện dự thảo lần hai Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị trong đó, tại khoản 3 Điều 4 quy định: Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
|
Phóng viên Lê Đạt - Báo Kinh tế & Đô thị |
Khoản 6 Điều 5 của dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Trước dự thảo về quy định này, phóng viên Lê Đạt (phụ trách mảng pháp luật – bạn đọc báo Kinh tế & Đô thị) cho rằng: Dùng các phương tiện để ghi âm, ghi hình là không thể thiếu, có thể nói đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi phóng viên của mỗi tòa soạn. Đối với phóng viên viết điều tra thì việc ghi âm, ghi hình càng đặc biệt và vô cùng quan trọng. Thực hiện điều tra thì việc thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn, các nguồn tin phải được xem xét, sàng lọc, thẩm định... Để có được thông tin ngoài tìm hiểu, thu thập tài liệu văn bản, ghi chép... thì phải ghi âm, ghi hình. Đó chính là những tư liệu, nguồn tin tin cậy, âm thanh, hình ảnh bổ sung cho nhau và điều này là không thể thiếu đối với mỗi phóng viên trong hoạt động báo chí hiện đại.
Hơn nữa, chúng ta đã biết, vai trò của báo chí có chức năng giám sát phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ thuần phong mỹ tục,… Và báo chí muốn làm tròn vai trò, thực hiện tốt vai trò thì buộc phóng viên cần phải có phương pháp, nghiệp vụ để khai thác thông tin. Mà khai thác thông tin ở đây chính là việc ghi âm, ghi hình,... Nếu như một nhà báo muốn viết bài, làm phóng sự điều tra đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì phải "nhập vai" trong từng hoàn cảnh. Rõ ràng đi viết về lâm tặc, cát tặc, thực phẩm bẩn... thì không đơn thuần như đi dự hội thảo, hội nghị. Khi đó phóng viên phải dùng các biện pháp nghiệp vụ. Và không thể thiếu đó là việc ghi âm, ghi hình bí mật.
|
Một trong nhiều thiết bị ghi âm được bày bán công khai trên mạng internet. |
Đồng tình với quan điểm trên, phóng viên Quỳnh Hoa, Báo Văn hóa cho rằng: đọc bản dự thảo này với nội dung "phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng", bản thân hiểu những quy định này được áp dụng cho ngành công an và lực lượng vũ trang - tức là những người làm công tác trong ngành.
Khá bất ngờ với nội dung này, phóng viên Quỳnh Hoa cho rằng cần phải xem xét hoạt động báo chí đơn thuần có trong nội dung này không? Tức là bảo vệ an ninh quốc gia, quốc phòng... Nếu không phải, tại sao lại không được phép sử dụng; trong khi Luật Báo chí lại cho phép?.
Bởi Điều 13 của Luật Báo chí quy định rất rõ về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân trên báo chí, đồng thời cũng nói rõ Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để cho công dân thực hiện quyền đó và tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình... Như vậy, việc cấm người dân, nhà báo ghi âm ghi hình ngụy trang là vượt quá phạm vi điều chỉnh, hạn chế vai trò của báo chí.
Thực tế đã chứng minh rất rõ vai trò quan trọng của báo chí. Đã có nhiều vụ tham ô, tham nhũng báo chí phanh phui với những loạt tin bài điều tra rất công phu. Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu ghi âm, ghi hình bí mật và qua các bài báo, các cơ quan chức năng đã có thêm căn cứ vào cuộc xác minh, điều tra, giải quyết và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Còn tại Điểm d khoản 2 Điều 4 Luật báo chí quy định: nhà báo có nhiệm vụ, quyền hạn đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Vì vậy, thay vì chỉ cho các cơ quan chức năng chuyên trách sử dụng, pháp luật cần cho phép những lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù như nhà báo sử dụng các sản phẩm trên với một số yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo sự chặt chẽ và cũng tránh được những lạm dụng, vi phạm pháp luật...
Nếu cấm thật thì rất khó khăn cho việc tác nghiệp của nhà báo
Liên quan nội dung này, trả lời báo chí ông Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- cho rằng, đây mới là tham vấn ý kiến, chứ chưa phải văn bản chính thức. Báo chí có dự cảm với qui định có liên quan đến mình là “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm”.
Theo ông Minh, từ trước tới nay, báo chí chống tiêu cực, ô nhiễm môi trường, cát tặc… đều bằng biện pháp báo chí và có sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật. Nếu cấm thì rất khó khăn cho việc tác nghiệp của nhà báo.
“Ban soạn thảo nên cân nhắc đến hiệu quả, hiệu lực và tính khả thi của Nghị định. Luật Báo chí mới thực hiện được 4 tháng 11 ngày. Luật Báo chí có 6 chương, 61 điều, thì có 13 điều cấm nhà báo làm. Thế nhưng trong tất cả các điều cấm ấy không có điều nào nói rằng cấm dùng phương tiện quay phim, ghi hình” - ông Minh phân tích thêm.
Theo quan điểm của ông Minh, Nghị định này có liên quan đến phương tiện tác nghiệp của nhà báo, của phóng viên, của những người làm báo chí trong điều kiện phát triển của CNTT, công nghệ số. Trong điều kiện các phương tiện CNTT phát triển như hiện nay thì tất cả các sản phẩm đều có thể hàm chứa được chức năng ghi âm, ghi hình (kể cả máy điện thoại), thì e rằng việc cấm này không khả thi. Tuy nhiên, nếu cấm sử dụng nó thì cũng phải tạo điều kiện cho những ngành liên quan trực tiếp có hữu ích cho quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ Đảng, Nhà nước, trong đó có báo chí, thì cần phải có ưu tiên.