“Lần đầu tiên tôi tới dạy ở điểm trường cách thị trấn nơi tôi sống 20km, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Đập vào mắt tôi là hình ảnh đứa trẻ tay cầm cục cơm nguội, bàn tay kia xòe ra giữ những hạt muối trắng để chấm ăn... Nước mắt tôi đã chảy. Tôi khóc thương những đứa trẻ ở nơi nghèo khó ấy và tôi đã quyết định ở lại đấy, ở cho tới tận bây giờ”. Đó là tâm sự của một giáo viên cắm bản nhưng cũng là nỗi niềm chung của thầy cô bỏ lại mọi thứ sau lưng để đến với học trò nơi xa xôi hẻo lánh.
Nước mắt tôi đã chảy...
36 năm gắn bó với nghề giáo, cô Lê Thị Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa - có tới 5 năm dạy học ở vùng biên giới, 15 năm cắm bản dạy điểm lẻ.
Cô Hằng kể, năm đầu tiên đến dạy ở Đồng Lương cô đã khóc, khóc không phải vì mình để lại chồng con ở nhà, sống với điều kiện khắc khổ trong căn nhà giáo viên tranh tre nứa lá mà khóc vì thương học trò khi thấy bữa ăn của các con là một cục cơm nguội và muối trắng.
|
Học sinh nghèo Quảng Nam hái hoa rừng tặng cô |
Học trò ở đây vẫn thường xuyên sáng nhịn, trưa và tối chủ yếu khoai sắn, gần đây mới được bát cơm với rau rừng, hiếm khi nhìn thấy miếng thịt. Và cô lại khóc khi nhìn thấy em bé lớp 2 mặc manh áo mỏng tang, lạnh run người đến lớp, hỏi ra mới biết là đói, đến khi cô giáo nấu cho gói mì, ăn vào em mới trở lại bình thường.
“Nhìn cảnh ấy, nước mắt tôi đã chảy. Tôi khóc thương những đứa trẻ ở nơi nghèo khó ấy, và tôi đã quyết định ở lại đấy, ở cho tới tận bây giờ” - cô Hằng mắt đỏ hoe kể lại.
Hồi cô Hằng mới dạy học, chuyện gì của bọn trẻ cũng khiến cô muốn khóc. Trong sách giáo khoa lớp 4 có vẽ hình nhiều loại trái cây, cô giáo hỏi các em học sinh có biết đó là quả gì không, không một em nào biết. Biết ô tô không? Không em nào biết. Cô hỏi đã có em nào được ăn phở chưa, chúng tròn mắt không biết phở là thứ gì...
Không có tivi, không có gì để kết nối bọn trẻ với cuộc sống ở bên ngoài. Dạy học lâu ở đây, cô giáo thường có thói quen bỏ vào túi áo vài vỉ thuốc thông dụng để sẵn sàng sơ cứu cho bọn trẻ. Mỗi tuần về thăm nhà vào thứ bảy thì chủ nhật cô Hằng lại lầm lũi với hành trình đi bộ 20km để lên điểm trường, gánh theo nào gạo, thực phẩm, bút, vở...
Dù vất vả nhưng cô cố gắng gồng gánh nhiều một chút để chia sẻ cho bọn trẻ và bà con.Không chỉ dạy chữ cho bọn trẻ, cô Hằng còn tìm mua và đọc nhiều sách về nông nghiệp để tư vấn cho người dân trồng lúa, trồng rau. Suốt 36 năm trong nghề gắn bó với điểm trường hẻo lánh, cô Hằng giờ được người dân chuyển từ gọi “cô giáo” sang “bà giáo”.
“Trường thấy tôi có tuổi cũng gợi ý cho tôi chuyển từ điểm trường về trường chính, nhưng tôi không muốn thế, vì ở đó bà con yêu quý tôi, học trò mong ngóng tôi. Tôi vẫn sẽ bám trụ với mọi người cho đến khi nào không còn sức khỏe để dạy nữa mới thôi” - cô Hằng cười mà mắt rưng rưng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thêu (quê Ninh Bình) đã có 20 năm gắn bó với điểm trường lẻ, với hàng nghìn học sinh Đồng Văn - Hà Giang. Cô Thêu cho hay, lên Hà Giang dạy học là lần xa nhà đầu tiên, cũng là lần đầu tiên biết đến vùng cao. “Điểm trường nằm một bên sườn núi, được rào xung quanh bằng những cành trúc. Lớp học vẫn tạm bợ mái lá, tứ bề hở hoang hoác. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Nhà lưu trú của giáo viên thấp lụp xụp, buổi tối thắp đèn dầu soạn giáo án” - cô Thêu nói.
Giữa trập trùng núi đá, cô giáo người Kinh phải làm quen với cuộc sống biệt lập thiếu thốn và xa lạ với ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân cư đa phần là người dân tộc Mông. Ngay đời sống của giáo viên cũng thiếu thốn khi chợ mở theo phiên và cách xa cả ngày đường, do đó mỗi lần mua, phải tích trữ cả tuần.
Sau những giờ lên lớp, cô Thêu lại xuống nhà dân vừa tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng, vừa vận động trẻ nhỏ đến trường. Từ điểm lẻ có ít học sinh, sau hai năm cô Thêu đứng lớp đã có nhiều trẻ đi học đông đủ và đọc thông, viết thạo. Hiện nay cô Thêu đã chuyển về Trường Tiểu học Phố Cáo và giảng dạy tại Sảng Pả, điểm trường giáp đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dù dân cư ở tập trung song đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân chưa có ý thức cao trong việc cho con đến trường; có lớp tổng số 15 học sinh, có khi chỉ duy nhất một em tới trường...
“Tôi biết trách nhiệm của tôi là phải ở đó".
”Vượt gần 2.000 cây số từ huyện miền núi Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vào Kon Tum công tác, cô Nông Thị Tuyết, người dân tộc Tày, hơn chục năm nay gắn bó với các học sinh Xơ Đăng của Trường Phổ thông Bán trú Tiểu học Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).
|
Cô giáo Tạ Thị Hương |
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, cô Tuyết tình nguyện đến dạy học tại Trường Tiểu học Đắk Na, mang cái chữ đến với bà con dân tộc.
“Những ngày đầu đến trường, tôi bị sốc vì thấy học sinh khổ quá. Trường học thì tạm bợ, đường toàn đá, học sinh đi học hàng giờ mới đến trường, quần áo không có mặc. Nhiều khi học sinh bỏ học, các cô phải đến tận nhà vận động. Thà không nhìn thấy hoàn cảnh gia đình các em thì thôi, nhìn thấy là đau lòng” - cô Tuyết kể.
Hiện học sinh của cô vẫn còn phải ăn cơm với canh lá mì (sắn) nấu suông. Lâu lâu được cô giáo cho miếng cá khô thì có cá, hôm nào bố mẹ đi rẫy đào được con dế thì có dế mà ăn, còn không thì chỉ có cơm với canh lá mì. Thế nên, cô Tuyết bảo cô chưa bao giờ nản lòng vì sự vất vả, cô đơn của cô không thấm gì so với những khó khăn đang chờ các em phía trước.
Mỗi tháng về thăm nhà, bao giờ trong hành trình trở lại cô Tuyết cũng gùi theo vài chục cái bút, vài chục cuốn vở mới, thậm chí là cả chút đồ ăn cho các em.
Bám bản, cô Nông Thị Tuyết gửi 2 con của mình, một 4 tuổi, một học lớp 4 cho mẹ đẻ trông hộ. Dù thương con ở nhà đứt ruột “nhưng rồi cứ nghĩ đến những đứa trẻ nghèo đi bộ hàng giờ đến lớp đang chờ cô giáo để học chữ, mọi nỗi buồn vơi đi...”- cô Tuyết xúc động chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Bình, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự, vì sinh ra ở miền biển, quê nghèo, trẻ con ít được đi học nên khát khao của thầy là được dạy chữ cho các con, để chúng lớn lên có một tương lai tốt đẹp hơn bố mẹ mình.
“Điểm trường của chúng tôi chỉ có những lớp học tranh tre nứa lá, thời tiết thì khắc nghiệt, đường sá thì khó khăn. Ban đầu tôi hơi buồn nhưng chính tình cảm của những đứa trẻ nghèo, nghèo đến mức không có dép đến lớp, không có quần áo để mặc nhưng luôn chăm chú nghe giảng đã xóa đi mọi thứ. Và tôi biết trách nhiệm của tôi là phải ở đó, phải giúp các em lớn lên có cái chữ để ra đời” - thầy Bình nói giản dị.
Còn thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp (quê gốc Hưng Yên) về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nậm Nhoóng, xã Nậm Nhóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết, trường nằm cách xa trung tâm huyện hơn 40km nhưng chưa có đường đi. Đặc biệt, trường của thầy Hiệp có 100% giáo viên là nam giới (41 người).
Thầy Hiệp kể, đường đi chủ yếu do nhân dân tự đào, có khúc quanh co theo sườn núi, một bên dốc, một bên vực rất nguy hiểm. Mỗi khi trời mưa bão, trường thường bị cách ly với các vùng khác. Vì thế, dù nơi công tác ở cách xa nhà hơn 40km nhưng mỗi năm thầy Hiệp chỉ được về hai lần vào dịp hè và tết, bằng cách đi bộ.
Hè năm 2004, một người thân trong gia đình thầy mất nhưng phải đến 2 tháng sau khi trở về nhà, thầy mới biết tin.
Cùng là người Việt, sao các con không biết chữ nước mình
Hơn ai hết, cô giáo Tạ Thị Hương thấm thía sự khác biệt này bởi cô đã có 15 năm dạy học ở Bắc Giang trước khi nhận công tác ở điểm trường khó khăn nhất thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum.
|
Cô giáo Nông Thị Hằng |
“Không có sóng điện thoại, không có điện, học sinh ở đây đều là người dân tộc Mơ Nâm, ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, không giao tiếp với bên ngoài, nên tôi thương lắm, cứ xót xa nghĩ, bởi ngay cả ngôn ngữ của đất nước mình các em cũng không hiểu. Trong sự quá khác biệt đó, nhưng các em ở đây vẫn vượt mọi khó khăn để đến lớp thì một giáo viên như tôi chỉ có thể lấy hết quyết tâm bù đắp cho các em. Những ngày đầu tiên đứng lớp, tôi chỉ biết dùng ký hiệu, hình vẽ để dạy các em học sinh lớp 1. Bất đồng về ngôn ngữ là rào cản lớn với giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy học. Nhiều lúc muốn tâm sự, chia sẻ với học trò nhưng các em đâu có hiểu mình nói gì. Vậy mà tình yêu, sự ham học của các em đã giúp tôi vượt qua tất cả” - cô Tạ Thị Hương chia sẻ.
Có lẽ chẳng thể kể hết những gian nan của các thầy cô ở những miền xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc. Ai chẳng muốn chọn việc nhẹ nhàng, nhưng các thầy cô đã đến, vì thương lũ trò nhỏ ngơ ngác mà chẳng thể ra đi.
Như cô Hương nói, dù Hà Nội và Thanh Hóa không xa nhưng cô không thể nào rời các em ở bản Thung biệt lập ấy mà đi đâu được. Và họ, những người thầy đầu tiên, mở ra cho các em một thế giới khác, thế giới của tri thức, yêu thương và làm người, thế giới của những khát vọng trong lành. Chỉ nhỏ bé và giản dị vậy thôi, đủ để các thầy cô nếu làm lại từ đầu, nơi họ chọn vẫn là những hy sinh, những yêu thương tận đáy lòng đó...