Quy định cấm sử dụng điện thoại khi đang tham gia điều khiển phương tiện giao thông đã có từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng người tham gia điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại còn khá phổ biến.
Tại hầu hết các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến… không khó để bắt gặp tình trạng người tham gia giao thông vừa đi đường, vừa nghe điện thoại hay nhắn tin.
|
Người tham gia điều khiển phương tiện giao thông vừa đi đường vừa nhắn tin (ảnh Thanh Huyền) |
Thực tế, các hành vi trên luôn được phía cơ quan chức năng cảnh báo là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông “thảm khốc”.
Mới đây, vào ngày 1/1/2015, người dân tại xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vô cùng đau xót khi chứng kiến cái chết thương tâm của một "tân nương". Sau đám cưới, trên đường đưa vợ đi gội đầu, người chồng một tay vừa lái xe máy, một tay rút điện thoại ra nghe nên không may bị ngã. Người vợ ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, văng ra đường, đập đầu mạnh xuống đường và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Tương tự, vào ngày mồng 1 và 3/3/2015 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông tại khu vực chợ Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng và xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là cả 2 vụ đều do các nạn nhân mải nghe điện thoại nên không quan sát thấy tàu hỏa đang lao tới khi băng qua đường sắt.
Việc sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông đã và đang khiến người lái xe mất tập trung, tay lái không vững, khó duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước và khi xảy ra va chạm sẽ phản ứng chậm hơn so với mức bình thường dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Đặc biệt, người tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi chạy xe trên đường cao tốc việc va chạm với tốc độ cao sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu cho thấy: Có khoảng 80% các vụ tai nạn xảy ra do tài xế bị mất tập trung (khoảng 3 giây), do bấm số điện thoại (khoảng 5 giây) khiến các phương tiện lưu thông trên đường dễ bị chệch hướng xảy ra va chạm với những phương tiện khác.
Lê Thanh Huyền (Sinh viên trường Đại học Hà Nội) cho biết: “Đa số người tham gia giao thông đều ý thức được sự nguy hiểm, rủi ro sẽ xảy ra trong việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, do ý thức chủ quan nên vẫn cố tình vi phạm. Mặt khác, mức xử phạt theo quy định trên còn quá nhẹ, không có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc đối với người vi phạm”.
|
Một bạn trẻ khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vô tư sử dụng điện thoại khi lái xe (ảnh Thanh Huyền) |
Tại điểm c, Khoản 3, điều 30, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ: “Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính” và theo Nghị định 171/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng điện thoại di động (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt từ 60.000 - 80.000 đồng (điểm h Khoản 1 Điều 6).
Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể về việc cấm sử dụng điện thoại và có chế tài xử phạt đối với việc sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nhưng tình trạng vi phạm vẫn khá phổ biến và chưa được lực lượng CSGT nhắc nhở, xử phạt triệt để và kịp thời...