Sáng 23 tháng Chạp, nhiều người thả cá ông Táo ở chân cầu Công Viên (TP Đồng Hới) bất bình cảnh đàn cá chép vừa thả đã “dính bẫy” của ngư dân.
Sáng 8/2 (23 tháng Chạp), hầu hết các gia đình đều mua cá chép về cúng để tiễn ông Táo "chầu trời". Theo quan niệm người Việt, sau khi cá chép hóa rồng, sẽ trở thành phương tiện để ông Táo cưỡi vượt Vũ môn lên Thiên đình.
|
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Thiên đình. (Ảnh: Hải Long). |
Tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), từ sáng 8/2 nhiều người dân đã đưa cá chép ra khu vực kênh nước dưới chân cầu Công Viên, thuộc phường Đồng Phú, TP Đồng Hới để phóng sinh. Người đem cá tới thả rất nhộn nhịp, phần lớn cá được phóng sinh khu vực này là cá chép vàng.
|
Dưới chân cầu Công Viên rất nhiều người tới phóng sinh cá chép. (Ảnh. Hải Long). |
Tuy nhiên, theo chứng kiến của phóng viên Pháp luật Plus, nhiều đàn cá vừa mới được thả ra chưa kịp “chầu trời” thì đã tự “chui đầu vào rọ”. Tại khu vực kênh nước này, một số người đã lợi dụng để đặt những đoạn lừ “bẫy” cá dài khoảng 30 đến 40 mét. Nhiều người không để ý, đã phóng sinh cá ngay khu vực có “bẫy” nên phải “ngậm cục tức” khi tận mắt chứng kiến cá ông Táo nhà mình chui vào "bẫy".
|
Cá ông Táo chưa kịp "chầu trời" đã chui vào "bẫy". (Ảnh: Hải Long) |
“Tôi phải mang cá tới khu vực vắng người, dò xem có ‘bẫy’ không mới dám thả” - Anh Đinh Xuân Vương (ở phường Bắc Lý TP Đồng Hới) chia sẻ.
|
Đàn cá chép vàng chưa kịp "chầu trời" đã bị dính "bẫy". (Ảnh: Hải Long). |
Nhiều người dân khác cũng thắc mắc với vẻ nửa đùa nửa thật: Không biết cá chép nhà mình bị “kẹt” rồi ông Táo lấy gì cưỡi lên “chầu trời”?.
|
Một người dân phải lội xuống kênh kéo chiếc lừ lên, giải thoát cho đàn cá. (Ảnh: Hải Long). |
|
"Không có cá chép, ông Táo nhiều nhà sẽ cưỡi gì để lên Thiên đình?". (Ảnh: Hải Long). |
Ngoài ra, một số người dân sau khi thả cá, cũng tranh thủ "thả" luôn các bao nilon đựng cá xuống bờ kênh, rất phản cảm.