Mặc dù đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, thủ đoạn tinh vi.
|
Ảnh minh họa nguồn internet. |
Đáng chú ý, hầu hết những đối tượng tiếp tay cho buôn lậu là người dân địa phương và chính quyền sở tại nắm rất rõ nhóm đối tượng này nhưng vẫn khó để xử lý.
Nhiều cái khó
Trong hai ngày 27-28/3, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết kiến nghị cử tri, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn năm 2016, tỉnh An Giang đã phản ánh một khó khăn mà không ít địa bàn vùng biên đang gặp phải.
Đó là một bộ phận lớn người dân ở khu vực biên giới do không có nghề nghiệp ổn định, thiếu đất sản xuất nên đã tham gia vào đường dây vác, vận chuyển hàng lậu.
Và hiện địa phương này chưa có biện pháp để xử lý triệt để vấn đề trên, dù đã nắm được danh sách các đối tượng tham gia tiếp tay cho buôn lậu.
Không riêng gì An Giang, ngược lên miền núi phía Bắc, Lạng Sơn cũng là địa bàn luôn “nóng” về tình hình buôn lậu qua biên giới.
Các chủ hàng đa phần là người ở địa phương khác nhưng chuyên “chăn dắt” các nhóm cửu vạn là dân địa phương “cõng” hàng lậu qua biên giới rồi mang vào nội địa tiêu thụ.
Các chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam (huyện Văn Lãng) có những lúc phát hiện buôn lậu nhưng vì đó là người bản địa nên không dễ gì xử lý. Khi lực lượng chức năng giữ hàng thì cánh vận chuyển hàng lậu đã quay lại bao vây và gây sức ép.
Cũng do biết được tâm lý của bộ đội biên phòng là không muốn “đối đầu” với nhân dân trên địa bàn, nên nhiều người dân dù biết tiếp tay cho buôn lậu là vi phạm pháp luật nhưng khó cưỡng lại những lợi nhuận trước mắt, chính bởi vậy công tác chóng buôn lậu ở vùng biên vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Nhìn rõ những tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ nhưng khi triển khai vẫn gặp không ít vướng mắc.
Điển hình là cơ quan chức năng khá lúng túng trong việc xác định thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm diễn ra trên nhiều địa bàn khác nhau (do đường biên giới giáp ranh giữa nhiều tỉnh, lực lượng chức năng đuổi bắt ở tỉnh này thì đối tượng chạy sang tỉnh khác).
Đặc biệt, các cán bộ cũng không biết xử lý thế nào đối với những đối tượng thường xuyên có hành vi tiếp tay cho buôn lậu nhưng cố tình chây ỳ, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính.
Quan trọng vẫn là con người
Nhằm giải quyết bất cập này, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh An Giang đã kiến nghị cần nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch về địa bàn hoạt động, trách nhiệm trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu không chấp hành quyết định xử phạt, do số đối tượng này hầu hết là dân nghèo, không có tiền, tài sản gì để cưỡng chế.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, dưới góc độ của cơ quan tham mưu, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - cho rằng, nguyên nhân một phần của công tác phòng chống buôn lậu còn chưa triệt để là do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, các điều kiện chưa đáp ứng cũng như công tác phối hợp chưa được chặt chẽ.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vẫn xác định vấn đề quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
“Ban Chỉ đạo luôn xác định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thời gian qua đã có những vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm như vụ một số cán bộ hải quan An Giang tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu đã bị phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố bị can” - ông Thế cho biết.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Trong trường hợp cần thiết có thể điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện đúng công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các qui định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý. Về chính sách thương mại biên giới, phải xem xét điều chỉnh cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch để tiến tới tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch.