Ngành Y tế Hà Nội triển khai thiết lập các kênh truyền thông để các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số; Phát hiện, tôn vinh, phổ biến các mô hình, bài học chuyển đổi số thành công trong và ngoài ngành; Triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia.
Đồng thời, phát huy hiệu quả kênh truyền thông qua nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và các nền tảng mạng xã hội khác... để chia sẻ thông tin, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, trong đó thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đảm bảo phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước của Sở và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT tại bộ phận một cửa của Sở đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu theo mô hình bộ phận một cửa hiện đại của thành phố.
Triển khai kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP nhằm đáp ứng yêu cầu trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.
Sở Y tế Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: thanhtri.hanoi.gov.vn |
Ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện và phát huy tối đa hiệu quả hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, ngành Y tế tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám và làm các thủ tục khám chữa bệnh cho người bệnh.
Ngòai ra, Sở thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Nhiều bệnh viện đã triển khai phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương.
Năm 2023, ngành đã triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em” giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
Qua mô hình này, bệnh nhân được “chuyển tuyến ảo” và bác sĩ được “đi buồng điện tử” đã thật sự rút dần khoảng cách chuyên môn, khoảng cách địa lý giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở và quan trọng hơn là người dân được các bác sỹ giỏi tuyến Trung ương, TP điều trị ngay tại địa phương, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đến nay, đã có 237 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa cho hệ thống y tế trên địa bàn TP với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng.
Sở đã ban hành các quyết định giao quyền tự chủ tài chính, giai đoạn 2023 - 2025, cho 77 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Theo chia sẻ của đại diện Sở Y tế Hà Nội, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, là bước “đột phá” trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bên canh đó, ngành Y tế tập trung xây dựng, triển khai hệ thống thông tin, nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác điều hành, giám sát, cảnh báo và dự báo vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân; các phần mềm quản lý chuyên môn của ngành.
Hoàn thành triển khai thí điểm hồ sơ sức khoẻ điện tử, sổ sức khoẻ điện tử gắn với Đề án 06 của Chính phủ; Kết nối, liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, thông tin tiêm chủng quốc gia và hệ thống quản lý thông tin sức khỏe khác.
Đồng thời, triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, từ đó có thể kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của TP.