Đó là thông tin được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông báo tại buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày 3/8 tại TP Tam Kỳ về các dự án giao thông trong khu vực.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Chu Lai là 1 trong 13 cảng hàng không nội địa được khai thác, sử dụng, định hướng nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn đến năm 2020 và tiếp tục được đầu tư phát triển thành cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn đến năm 2030.
|
Hành khách làm thủ tục đi từ sân bay Chu Lai |
Theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 giữ nguyên hiện trạng đường cất hạ cánh hiện hữu và xây dựng đường cất hạ cánh mới 14L-32R, kích thước 4.000m x 60m, xây dựng nhà ga công suất 2,248 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn/năm…
Đến năm 2025 xây dựng thêm đường cất hạ cánh mới 14R-32L và chuyển đường cất hạ cánh cũ trước đây thành đường lăn, xây dựng thêm nhà ga hành khách đạt công suất 4,1 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đạt 5 triệu tấn/năm.
“Tuy nhiên, đến nay giai đoạn quy hoạch đến năm 2015 đã hết nhưng các hạng mục đầu tư hầu hết chưa thực hiện được do chi phí đầu tư lớn, nhà nước chưa có nguồn thực hiện”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói.
|
Hiện có 3 hãng hàng không bay đến Chu Lai từ Hà Nội và TPHCM với khoảng 10 chuyến mỗi ngày |
Ông Đinh Văn Thu cũng cho rằng, quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay không còn phù hợp, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đang tăng nhanh của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư trên địa bàn các tỉnh.
Với lợi thế đắc địa, sân bay Chu Lai là một trong các sân bay có tĩnh không tốt nhất trên thế giới, diện tích khu vực Cảng hàng không Chu Lai rộng trên 2.000ha, hiện nay cơ bản là đất trống. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết một số hạng mục công trình ở sân bay Chu Lai theo đề xuất của Cục hàng không Việt Nam và phát triển theo các kế hoạch ngắn hạn sẽ tác động thiếu tích cực đến sự phát triển chung của toàn bộ cảng hàng không Chu Lai.
Đặc biệt, Cảng hàng không Chu Lai đã được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế cấp 4F giai đoạn đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam trình bày: “Trước đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, giao Cục hàng không Việt Nam tổ chức lập điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Chu Lai hoặc giao cho tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập điều chỉnh quy hoạch từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trình Bộ GTVT và các Bộ liên quan thẩm định, tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt, thay thế quy hoạch trước”.
Theo ông Nguyễn Tăng Bính (Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi), sân bay Chu Lai hiện có 10 chuyến bay mỗi ngày, trong đó 80% là hành khách của tỉnh Quảng Ngãi nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay và đường giao thông thuận tiện để người dân của tỉnh có sự lựa chọn tốt hơn trong việc đi lại.
Về vấn đề mở rộng sân bay Chu Lai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, nhà ga sân bay quốc tế ở Đà Nẵng, Cam Ranh hiện nay có nhiều dư luận cũng đánh giá xem có nên xã hội hóa kiểu đó không. Nếu xã hội hóa thì đem lại nguồn thu lớn, xã hội hóa là tư nhân, trong khi ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) vẫn là doanh nghiệp nhà nước (trên 95% vốn nhà nước), do đó hiệu quả kinh tế mang lại nhà nước là lớn nhất. Hiện nay Chính phủ yêu cầu Bộ tổng kết, rà soát để đánh giá mô hình.
“Tuy nhiên, theo tôi được biết, cả nước mình có khoảng 8 sân bay có lãi, còn ACV quản lý 22 sân bay (hiện sân bay Nà Sản tỉnh Sơn La tạm ngừng hoạt động, còn lại 21 sân bay), trong 21 sân bay chỉ 8 sân bay có sinh lãi bù cho những sân bay không sinh lãi. Chu Lai là một trong những sân bay chưa sinh lãi”, Bộ trưởng Thể phát biểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cũng cho rằng tiềm năng của mỗi sân bay cũng khác nhau. Có những sân bay hiện nay chưa có gì nhưng sắp tới sẽ đột phá. Ông ví dụ sân bay Côn Đảo hiện nay chỉ máy bay ATR72 bay ít chuyến nhưng sắp tới mở rộng ra cho máy bay A321 NEO với 200 khách là “ngon lành” ngay.
Bộ trưởng GTVT cho rằng, việc nâng cấp mở rộng sân bay là chiến lược của doanh nghiệp, doanh nghiệp nào nhìn thấy tiềm năng (ở Chu Lai) như khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển hoang sơ... sẽ “sung túc” ngay.
Quan điểm của Bộ trưởng là ủng hộ nâng cấp sân bay Chu Lai, tuy nhiên cách làm hiện nay Chính phủ cũng “đắn đo” nên Bộ cũng hơi chậm. “Quan điểm của tôi là cứ phát triển tốt là ok ngay, nguồn vốn nào cũng được, còn liên quan đến nhiều Bộ ngành, lên Chính phủ nữa. Chúng ta phối kết hợp để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng Thể phát biểu.