Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên cả nước, trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin đã phủ rộng.
Xung quanh vấn đề có nên bỏ khái niệm F0, F1 hay không, các chuyên gia y tế có ý kiến trái chiều.
Không cần thiết
Trao đổi với PV Tiền Phong, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho rằng nên bỏ khái niệm F0, F1. “Đây chỉ là phân loại trong trường hợp dịch bệnh còn ít và chúng ta có thể khống chế theo kiểu Zero COVID. Ở thời điểm hiện tại, cả nước đã thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nên số lượng F0 tăng lên nhanh chóng là bình thường và cần dần coi bệnh COVID-19 là một bệnh thông thường”, bác sĩ Phúc nói.
Theo bác sĩ Phúc, điều cần quan tâm và đáng lo ngại lúc này là quản lí các F0. “Có một thực tế, số F0 đang tăng nhanh chóng, hầu hết điều trị tại nhà và không biết dựa vào ai vì y tế phường, nơi được giao nhiệm vụ tư vấn, chăm sóc F0 điều trị tại nhà đang quá tải. Nếu ai quen biết bác sĩ đúng chuyên ngành, họ được hướng dẫn, tư vấn rất tốt. Tuy nhiên, những trường hợp không tiếp cận được các bác sĩ thì dễ dẫn đến điều trị sai và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này”, bác sĩ Phúc cho hay.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm: “Lúc này, việc cách li F0, F1 không còn hiệu quả nữa. Vai trò của cá nhân trong cộng đồng là quan trọng hơn cả. Ngoài ra, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, dễ tử vong, đồng thời củng cố hệ thống điều trị”.
|
Theo dõi bệnh nhân nặng tại BV Điều trị người bệnh COVID-19 (Hà Nội). Ảnh: Thái Hà |
Chia sẻ về quan điểm này, PGS.TS Đinh Vạn Trung, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho rằng: “Cần thiết bỏ khái niệm F0, F1 trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ có thể thấy, các quốc gia trên thế giới đã không còn sử dụng khái niệm F0 và F1. Thay vào đó, chỉ có người nhiễm và người không nhiễm. Trong đó, bao gồm người nhiễm hình thành bệnh, người nhiễm không mắc bệnh và người không nhiễm. Nhiễm không mắc bệnh là người mang mầm bệnh, nhưng không phát triệu chứng. Chúng ta chỉ nên duy trì 3 khái niệm đó”.
Theo ông Trung, việc phân 3 loại để biết cách điều trị và phòng chống. F0 có triệu chứng phải điều trị, người nhiễm không có triệu chứng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với mọi người để tránh lây lan, còn người không nhiễm nhưng là F1 (người lành mang trùng) có thể làm việc bình thường. PGS.TS Đinh Vạn Trung phân tích, đối với những người lành mang trùng, họ không biểu hiện triệu chứng nên những người này vẫn đi lại, tiếp xúc bình thường với những người không nhiễm. Tình trạng đó đã vô tình xoá nhoà khái niệm F0 và F1.
“Việc duy trì khái niệm F0 và F1 trong bối cảnh hiện nay có thể coi là không cần thiết. Tâm lí mọi người rất sợ khi tiếp xúc với F0 và F1. Tuy nhiên, chúng ta chưa định nghĩa rõ là không phải F1 nào cũng mắc COVID-19. Họ là người tiếp xúc với F0 nhưng có thể không nhiễm, hoặc nhiễm nhưng không phát bệnh”, ông Trung nói.
Giữ để người dân không chủ quan
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) có quan điểm ngược lại. “Hiện Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, điều này giúp kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ vẫn còn. Các quốc gia trên thế giới đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển. Vì thế theo tôi vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Tương tự, cần giữ khái niệm F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Nếu không nắm bắt được con số F0 thì không thể dự báo được tình hình dịch tễ. Vấn đề là cách li bao nhiêu ngày, có cách li hay không sẽ cần tính toán thêm”, TS Phu phân tích.
“Đơn cử như trong 1 đơn vị, khi 1 người phát hiện mình nhiễm COVID-19, trở thành F0 có thể thông tin để người từng tiếp xúc gần biết và cảnh giác phòng bệnh, tránh lây lan cho gia đình, người xung quanh, đặc biệt là với người già, người mắc bệnh nền và trẻ nhỏ”, ông Phu nói.
“Đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc bỏ dần khái niệm F0, F1, đặc biệt tại những khu vực biến chủng Omicron lây lan rộng. Trường hợp nhiễm nhưng không có triệu chứng thậm chí nên bỏ qua khâu xét nghiệm. Trong thời gian tới, những trường hợp không may tiếp xúc với người nhiễm virus nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng nên bỏ qua việc xét nghiệm và có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM