Bộ giao thông cho rằng việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép hay chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng trong một số trường hợp thật cần thiết.
Trước thông tin về ý kiến đề xuất việc sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã có câu trả lời.
Theo ý kiến đề xuất của một số cử tri tại Thanh Hoá, nên xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng không nên giữ phương tiện của người dân.
Lý do được đưa ra là việc tạm giữ phương tiện giao thông, trong nhiều trường hợp, đã gây ra những bất tiện và khó khăn cho các chủ phương tiện.
|
Bộ Giao thông Vận tải phản hồi về đề xuất bỏ giữ xe vi phạm. (Hình minh hoạ) |
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã dẫn chiếu quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép hay chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng trong một số trường hợp thật cần thiết.
Cụ thể, việc này nhằm để xác minh tình tiết vụ việc, ngăn chặn hành vi vi phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đảm bảo thi hành quyết định xử phạt hành chính.
Tại khoản 10 Điều 125, cho phép cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có địa chỉ rõ ràng và khả năng bảo quản phương tiện có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước.
Điều này có nghĩa rằng, nếu đủ điều kiện, chủ phương tiện sẽ không cần phải bàn giao xe cho cơ quan chức năng mà vẫn có thể tiếp tục giữ xe của mình, với điều kiện phải đặt tiền bảo lãnh.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, quy định về tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là một biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử lý các hành vi vi phạm trong giao thông một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ cũng ghi nhận ý kiến của cử tri và cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan để vừa đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, vừa không gây ra quá nhiều khó khăn cho người dân.
Đồng thời, Bộ cũng cho biết, ngày 27/6/2024 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Hiện tại, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Nghị định liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát và hoàn thiện các quy định này, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc xử lý vi phạm và quyền lợi của người dân.