Đó là nỗi lo của nhiều chuyên gia sau việc Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra biển Bình Thuận.
|
Nhiệt điện Vĩnh Tân |
Khu vực bờ biển từ Khánh Hòa đến hết Bình Thuận là cái đỉnh của vùng tam giác san hô mới đang đứng trước nguy cơ bị tác động bởi việc nhận chìm bùn thải này.
"Hở" cả pháp lý và kỹ thuật
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển VN, người 3 lần làm chủ nhiệm Quy hoạch các khu bảo tồn biển (BTB) VN phân tích, về tính pháp lý, VN ký các cam kết Thiên niên kỷ, trong đó có nội dung là VN cùng các nước xây dựng một hệ thống khu BTB toàn cầu được quản lý một cách hiệu quả. Trước đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chủ trì một chương trình điều tra mở rộng 16 khu BTB, được dự kiến theo 2 hướng, thứ nhất là tăng BTB lên chừng 25 - 26 khu; thứ hai là mở rộng về quy mô của từng khu bảo tồn - như Hòn Cau quy mô quá nhỏ so với thế giới.
"Người ta đã khai sinh ra nó, giờ “ông” khác muốn khai tử nó thì phải chứng minh được: Thứ nhất, vùng biển này không cần bảo tồn và Hòn Cau không phải là vị trí lõi của khu BTB. Thứ hai, khi nói môi trường biển ô nhiễm, người ta chỉ lập luận là chất thải ra không có chất độc. Nhưng tổng lượng thải này theo thời gian vòng đời của nhà máy sẽ phủ toàn bộ các rạn san hô và giá trị sinh thái vùng biển. Điều này nguy hiểm hơn nhiều so với suy thoái. Vì vậy trong luật Tài nguyên môi trường biển, lần đầu tiên chúng ta đưa vào vấn đề ô nhiễm do nhận chìm, dù còn sơ sài. Vấn đề ở đây là tác động do nhận chìm chứ không phải do ô nhiễm", TS Nguyễn Chu Hồi bức xúc và đặt vấn đề: Trong báo cáo của chủ đầu tư là nhận chìm mà cứ chứng minh là không ô nhiễm. Trong chuyện này vẫn phải trả lời vấn đề: Nhận chìm chỗ nào? Ở đó có giá trị gì quan trọng? Giá trị của ngày hôm nay hay chiến lược lâu dài cho đất nước?
Câu chuyện thứ ba là mức độ tuân thủ. Vĩnh Tân 1 nếu muốn làm thì có loại cam kết gì về mặt pháp lý nếu vi phạm. Còn cam kết theo mẫu ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường) hiện nay thì cam kết nhiều rồi. Cái nghi ngờ thứ hai, liệu hệ thống của chúng ta có thay đổi để bảo đảm rằng việc tuân thủ các cam kết đó hiệu quả hay không. Tiêu chuẩn của các chất ô nhiễm và lượng thải… tách rời thì không thấy tác động mấy, nhưng nếu tính sự tác động tích lũy, cộng hưởng cả vòng đời dự án thì đó là chuyện khác. Hiện nay chúng ta không có quy định về tổng lượng thải. Đây là khe hở cả về kỹ thuật và chính sách, theo TS Hồi.
Đạt tiêu chuẩn môi trường, sao phải đổ xuống biển ?
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập, ĐTM của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24.7.2014 không nhắc đến quy hoạch sử dụng biển của Bình Thuận cũng như các tỉnh lân cận. Quanh khu vực dự án có nhiều điểm có hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nên rất thận trọng khi cân nhắc cho phép đổ một lượng lớn chất thải nạo vét dù không có các chất nguy hại.
TS Trường đặt câu hỏi: Nếu vật chất nhấn chìm đạt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường thì tại sao không dùng để san lấp, mở rộng những vùng sình lầy, xói lở ven biển? Mặt khác, việc nhấn chìm một khối lượng quá lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học biển, vậy Bộ TN-MT đã tính toán thế nào để khắc phục hậu quả này? Ranh giới khu BTB Hòn Cau gồm 3 vùng (lõi, đệm và chuyển tiếp), cần làm rõ cách ranh giới ngoài của từng vùng, 8 km là từ đâu đến đâu? Từ tháng 6 - 10, vật liệu (bị nhấn chìm) có thể được mang lên đâu đó phía bắc khu vực, có thể lên Khánh Hòa - Phú Yên... sau đó từ tháng 11 - 3 năm sau thì gió mùa đông bắc sẽ mang lại những vật liệu này và phần nào có thể quay lại rạn san hô Hòn Cau, Bộ TN-MT đã tính đến chưa? Đã có lượng giá thiệt hại và phục hồi ra sao, sau gió mùa đông bắc?
Ở góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng VN phải nghĩ đến việc khai thác biển theo một cách khác. Nước Mỹ bao nhiêu năm nay bỏ nghề cá đánh bắt sang nghề cá giải trí, quan trọng hơn, cách này khiến họ khai thác mãi mà cá vẫn còn.
Trong khi chúng ta “ăn” cá là tài nguyên vật chất, mỗi năm xuất khẩu 5 - 6 tỉ USD và đổi lại khai thác toàn bộ tài nguyên sông Tiền, sông Hậu, vùng đất ngập nước ven biển và đánh bắt 2,4 triệu tấn/năm.
"Là nước đi sau, chúng ta sẽ không tụt hậu nếu biết học bài học thất bại của người đi trước để tránh và học cái thành công để áp dụng. Có nhiều cách tiếp cận, vấn đề tư duy là lòng quyết tâm chính trị của một đất nước, một địa phương và nhà đầu tư có trách nhiệm", TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất.