Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đặt câu hỏi trên tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng chiều 24/8.
|
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng chiều 14/8 |
Tham dự buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với ĐH Đà Nẵng còn có đại diện lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung vào Dự án Xây dựng ĐH Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, nguyên là dự án Làng Đại học đã “treo” 20 năm, và vừa khởi động lại từ đầu năm 2017.
|
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc tập trung vào Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng, nguyên là dự án Làng Đại học đã "trep" 20 năm, vừa khởi động lại từ đầu năm 2017. |
Về dự án này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) đã làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam lên khái toán sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời , ĐHĐN đã đề xuất chủ trương đầu tư Dự án gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư với khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 8,6 nghìn tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ KH-ĐT về việc bố trí vốn cho Dự án xây dựng ĐHĐN. Trong đó, đề nghị bố trí vốn giai đoạn 2018-2020 để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây dựng Trung tâm điều hành, ĐH Việt-Anh với tổng vốn hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.
Quá trình triển khai Dự án có một số vướng mắc như thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng. Việc thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch mất rất nhiều thời gian.
Ở góc độ quan sát từ phía chính quyền địa phương, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đa Nẵng ghi nhận ĐHĐN đã làm được rất nhiều việc, nhưng phải nhìn nhận tiến độ còn chậm. Tính từ khi Dự án khởi động vào tháng 2/2017 (sau thời gian “treo” 20 năm) đến nay, phần việc làm được rất nhỏ so với khối lượng công việc đồ sộ để thực hiện Dự án. Ngay cả quy hoạch Dự án, chiến lược phát triển ĐHĐN đã báo cáo các Bộ nhưng chưa được phê duyệt, phải làm lại.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, ông Dũng đề nghị ĐHĐN cần thay đổi phương thức phối hợp với chính quyền TP Đà Nẵng và cả Quảng Nam liên tục, chặt chẽ để có sự nhất quán cao hơn trong quá trình thực hiện Dự án; Triển khai Dự án theo kiểu “cuốn chiếu”, giải phóng mặt bằng đến đâu, đầu tư xây dựng hạ tầng Dự án đến đó. Đại diện lãnh đạo chính quyền TP còn đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy đưa Dự án vào diện quản lý tiến độ của BTV Thành uỷ.
Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng ĐHĐN đang có một cơ hội rất lớn khi mà các cơ quan từ Trung ương đến chính quyền đều rất quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Ông Nghĩa lưu ý ĐHĐN nếu không nắm bắt thời cơ này, hay lãnh đạo ĐHĐN còn giữ tư duy nhiệm kỳ ở đây, thì rất có thể sẽ chậm bước trước các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và những đổi mới trong quan điểm về giáo dục - đào tạo theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ĐHĐN cần tham gia nhiều hơn vào việc chung tay giải quyết các vấn đề “nóng” của đô thị Đà Nẵng như ô nhiễm môi trường, giao thông... , cũng như sự phát triển chung của Thành phố trên mọi lĩnh vực.
“Phải làm sao phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐHĐN vào việc tìm giải pháp cho các vấn đề trên nhiều lĩnh vực của Thành phố nhiều hơn.
Đà Nẵng đang định hướng xây dựng Thành phố thông minh, TP môi trường , TP khởi nghiệp..., tựu trung lại là xây dựng một TP đáng sống. ĐHĐN cần nghiên cứu khẳng định vai trò, vị trí của mình trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh đề nghị.