Nhà cửa bị cưỡng chế, phá dỡ, khiến nhiều hộ dân tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, Bắc Giang phải đi ở nhờ, có hộ phải dựng nhà bạt ở tạm khi nhà cửa đã không còn.
Mới đây, Pháp luật Plus- Báo Pháp Luật Việt Nam nhận được nội dung đơn thư cầu cứu của đại diện nhiều hộ dân sinh sống tại thôn An Thái, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cầu cứu, phản ánh về việc chính quyền xã Yên Lư tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa là nơi ở, mưu sinh của các hộ dân nằm trên tuyến kênh Nham Biền thuộc xã Yên Lư.
|
Nội dung đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân. |
Điều đáng nói là việc cưỡng chế của chính quyền địa phương được người dân cho là diễn ra quá gấp rút, khiến các hộ dân trở tay không kịp, nhiều tài sản bị phá dỡ hư hại, nhiều hộ gia đình bồng bế nhau đi ở nhờ nhà người thân, con đi ở nhờ nhà bố mẹ và bố mẹ đi ở nhờ nhà con cái.
Cám cảnh hơn, có hộ gia đình đành phải dựng nhà bạt trong vườn của con cháu để ở nhờ khi ngôi nhà mình sinh sống, gắn bó nhiều năm giờ đây trở thành đống gạch ngói đổ nát.
Theo đại diện các hộ dân, sau khi nhận được thông báo cũng như quyết định cưỡng chế của phía chính quyền xã Yên Lư, nhiều hộ dân đã làm đơn kiến nghị, khiếu nại nội dung quyết định gửi tới chính quyền xã Yên Lư cũng như UBND huyện Yên Dũng.
Nhưng nội dung trả lời của UBND huyện Yên Dũng chưa giải quyết được những kiến nghị của người dân thì phía chính quyền xã đã huy động máy móc, thiết bị phá dỡ hàng loạt nhà cửa, nơi ở của người dân, khiến cho họ ngơ ngác, không biết đi đâu về đâu.
|
Một số quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của UBND xã Yên Lư. |
Cụ thể, đơn cử đối với trường hợp hộ gia đình anh Tạ Ngọc Ánh, trú tại thôn Yên Tập, xã Yên Lư bị chính quyền xã Yên Lư ban hành Quyết định số 18/QĐ-KPHQ, ngày 03/02/2024, do bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Yên Lư ký buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Tạ Ngọc Ánh.
Một trường hợp khác tương tự như đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Diện (79 tuổi), trú tại thôn Tân Sơn 1, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Bà Diện là vợ của liệt sỹ là Ngô Quang Huy đã hị sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Tại buổi làm việc với phóng viên Pháp Luật Việt Nam, bà Diện nói trong nghẹ ngào "Tôi từng này tuổi rồi, đã sinh sống, mưu sinh trên mảnh đất đấy hàng chục năm nay, trước kia là khu đất hoang, sau đó được các con xây cho ngôi nhà nhỏ để ở, bán hàng tạp hoá mưu sinh qua ngày.
Nhưng giờ chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, phá dỡ mà không có một chính sách hỗ trợ, bồi thường, nói phá là phá thì giờ tôi biết đi đâu ở đâu".
|
Các hộ dân tại buổi làm việc với phóng viên Pháp Luật Việt Nam. |
"Các gia đình khác thì phá dỡ hết rồi, nhà tôi thì cũng chuẩn bị phá, những người ấy phải đi ở nhờ, người thì ở nhờ nhà bố mẹ, cũng có nhà thì bố mẹ đi ở nhờ nhà con cái, có gia đình nhà ông Tưởng thì căng bạt trong vườn của người cháu để ở nhờ. Nhiều người dân ở đây khổ sở khi bị phá dỡ hết nhà rồi", bà Diện thất thần nói.
Theo tìm hiểu, xác minh của phóng viên, hộ gia đình anh Tạ Ngọc Ánh, anh Nguyễn Văn Hùng là hai hộ gia đình đã bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ nhà và đi ở nhờ nhà bố mẹ đẻ.
"Tôi thì về ở tạm nhà bố mẹ tôi, vợ thì về ngoại, các con tôi thì đi học, ngày ở trường, tối về thì mẹ nó đón về ngoại. Nhà không còn để về nữa", anh Ánh nói trong nước mắt.
Tượng tự gia đình anh Ánh, anh Nguyễn Văn Hùng cùng với vợ con cũng phải khăn gói đi ở nhà bố mẹ đẻ. "Ngôi nhà bị phá dỡ rồi, đấy là nơi vợ chồng tôi mưu sinh nuôi các cháu ăn học.
Nay bị phá dỡ hết không còn cái gì cả. Bây giờ mọi sinh hoạt đều ở nhà ông bà, gia đình tôi cũng không biết ở đâu nữa", anh Hùng buồn bã nói.
|
Nhiều ngôi nhà ở của người dân bị cưỡng chế phá dỡ trở thành đống đổ nát, hoang tàn. |
Chưa hết thất thần trước sự việc ngôi nhà gắn bó với hai vợ chồng và hai đứa con bỗng một ngày trở thành đống đổ nát, ông Quản Văn Tưởng (55 tuổi), trú tại thôn An Thái buồn rầu nói "Ở cái tuổi này rồi, không nhà không cửa, con cái đi học xa, vợ chồng tôi phải ở nhà một góc vườn của người cháu. Cháu nó (con anh Tưởng) đi học trên Hà Nội đến giờ cũng không biết nhà cửa bị đập hết rồi".
Theo như nội dung đơn trình bày của đại diện các hộ dân, sau khi nhận hàng loạt các quyết định của UBND xã Yên Lư, đại diện các hộ dân đã làm Đơn kiến nghị gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng đề nghị làm rõ việc xác minh nguồn gốc đất cũng như những tài sản gắn liền trên đất đối với những trường hợp bị cưỡng chế và kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương rà soát, kiểm tra, xác minh để có phương án, hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị phá dỡ nhà cửa, đặc biệt đối với các hộ không có nhà ở, đất ở, sau khi bị cưỡng chế.
|
Những công trình bị phá dỡ tồn tại hàng chục năm, nằm ngay cạnh cổng trụ sở UBND xã Yên Lư. |
Bởi theo trình bày của người dân, về nguồn gốc đất và nhà ở gắn liền trên đất do đời cha ông để lại từ năm 1970 đến nay, nhiều hộ gia đình làm nhà ở từ trước năm 1980 đến nay không vi phạm về xây dựng, không bị chính quyền ban hành bất cứ một quyết định xử phạt bi phạm hành chính về xây dựng. Đất được người dân ở sinh sống ổn định qua nhiều thế hệ (Từ đời ông bà, để lại cho bố mẹ, bố mẹ để lại cho con cái).
"Những ngôi nhà bị phá dỡ không đơn thuần là nơi ở qua nhiều thế hệ người dân chúng tôi mà đối với nhiều hộ dân, cụ thể như gia đình bà Diện, bà Thảo, tuổi đã cao 80, 90 tuổi rồi, các bà ở nhà bán hàng tạp hoá kiếm đồng ra đồng vào mưu sinh ở đó hàng chục năm nay rồi, giờ phá dỡ hết cả các bà ấy cũng không biết đi đâu, về đâu, cũng chỉ đi ở nhà các nhà con cháu những ngày tháng tuổi già", ông Dương Công Khải, đại diện các hộ dân cũng là hộ gia đình có nhà bị phá dỡ cho hay.
Nói về việc nhận quyết định cưỡng chế của phía chính quyền xã Yên Lư, nhiều người dân tỏ quan điểm bức xúc, bất bình trước nội dung quyết định "buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính".
|
Ông Quản Văn Tưởng (55 tuổi), trú tại thôn An Thái, xã Yên Lư bị chính quyền phá dỡ nhà cửa, hiện gia đình ông Tưởng đi ở nhờ trong căn nhà bạt dựng tạm trong một khu vườn của người cháu. |
"Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện giải tỏa, hay bất cứ một chương trình, chính sách nào chúng tôi đều ủng hộ, nhưng phía chính quyền xã Yên Lư thực hiện cưỡng chế phá dỡ mà không quan tâm đến đời sống của người dân sau này thì không thể chấp nhận được.
Các hộ dân chúng tôi cũng không có đất ở, nhà ở nơi khác, nhà cửa bị phá dỡ hết rồi thì chúng tôi biết đi đâu, về đâu", anh Nguyễn Văn Hùng trú tại thôn Tân Sơn 1, xã Yên Lư, là một trong những hộ gia đình bị chính quyền cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa, bức xúc nói.
"Nguồn gốc đất mà các hộ dân chúng tôi xây dựng nhà cửa sinh sống ổn định hàng chục năm, không hề bị một cơ quan chức năng nào nhắc nhở hay có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng nào, thế mà phía chính quyền xã lại ra quyết định "buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính... Trong khi đó, có những ngôi nhà bị cưỡng chế nằm trước cổng UBND xã, nó tồn tại hàng chục năm nay", anh Ánh bức xúc.
UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo gì?
Được biết, sau khi tiếp nhận những nội dung kiến nghị của đại diện các hộ dân, ngày 16/1/2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã có nội dung Văn bản số 269/UBND-TCD về việc xem xét, giải quyết vụ việc của ông Dương Công Khải và một số công dân gửi tới Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng.
Nội dung Văn bản nêu rõ "Tại phiên tiếp công dân ngày 15/1/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Ông Dương Công Khải, ông Dương Ngọc Điền, ông Trần Thanh Tuấn, ông Tạ Ngọc Ánh và bà Đào Thị Hoà cùng trú tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng đến phản ánh về việc UBND huyện Yên Dũng thu hồi đất, giải toả các công trình trên đất để thực hiện Dự án cứng hoá kênh Nham Biền không đúng trình tự, thủ tục theo quy định".
|
Văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc của UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ "xem xét, xác minh, làm rõ về tài sản trên đất, đặc biệt đối với những hộ không có nhà ở, đất ở nào khác để xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật... |
"Sau khi nghe công dân trình bày và ý kiến của các đại biểu tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBDN huyện Yên Dũng thực hiện một số nội dung sau: Chỉ đạo rà soát lại nguồn gốc, diễn biến, quá trình sử dụng đất, hiện trạng và việc xử lý vi phạm (nếu có) đối với từng trường hợp.
Quá trình giải quyết phải khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; trong đó xem xét, xác minh, làm rõ về tài sản trên đất, đặc biệt đối với những hộ không có nhà ở, đất ở nào khác để xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật...", nội dung Văn bản nêu.
Nhằm làm rõ những nội dung đơn thư bạn đọc nêu, phóng viên Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Yên Lư, tại buổi làm việc bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND nhân xã Yên Lư cho biết "Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Yên Dũng phía xã đã thành lập các tổ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án kênh tiêu thoát lũ Nham Biền".
Theo lời bà Nga, liên quan đến sự việc này còn có 6 hộ không đồng tình với việc cưỡng chế, sau đó phía chính quyền đã thực hiện các bước cưỡng chế đối với các hộ gia đình này. Duy nhất còn một hộ gia đình chưa thực hiện cưỡng chế đó là hộ gia đình bà Diện chưa phá dỡ.
"Đối với hộ gia đình bà Diện, thuộc diện gia đình liệt sỹ, chúng tôi đang xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh để có chính sách cho bà Diện. Phía xã hiện cũng đã tìm được nhà cho bà Diện thuê ở sau khi thực hiện tháo dỡ ngôi nhà bà Diện hiện đang sinh sống", bà Nga cho hay.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc phía chính quyền xã có thực hiện kiểm tra, rà soát đối với từng hộ dân không có nhà ở, đất ở trước khi cưỡng chế theo nội dung Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang hay không?
bà Nga cho hay: "Các hộ dân trong diện phá dỡ đều có đất ở hoặc nhà ở nơi khác. Riêng có hộ gia đình bà Diện phía xã đang xin ý kiến để có chính sách hỗ trợ cho gia đình bà Diện".
Trước những thông tin được phía chính quyền xã Yên Lư đưa ra, các hộ dân bức xúc phản biện, cho rằng, phía chính quyền xã không hề kiểm tra, xác minh, rà soát về việc các hộ dân có đất ở hoặc nhà ở nơi khác.
Các hộ dân chúng tôi như gia đình các ông Chi, ông Tưởng, ông Chúc bà Bé, bà Diện...bị cưỡng chế xong không có nhà để ở cũng như đất ở, phải đi ở nhờ nhà người thân, có nhà còn dựng nhà bạt tạm trong vườn nhà người khác để ở", anh Ánh bức xúc nói.
Liên quan đến một số hộ dân cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất (sổ xanh) của một số hộ dân, một cán bộ phòng Quản lý đô thị huyện Yên Dũng cho hay, những nội dung trên sổ xanh này không xác định rõ vị trí, thửa đất, do đó không thể xác định được diện tích đất này có nằm trong diện thực hiện dự án hay không, từ đó không thế xác định được các chính sách hỗ trợ theo quy định đối với các hộ dân này.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh làm rõ những kiến nghị của người dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm hại.
Báo Pháp Luật Việt Nam tiếp tục thông tin về sự việc.