BHYT toàn dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cho toàn bộ người dân được thụ hưởng chế độ chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT. Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa tham gia BHYT là do vẫn còn suy nghĩ đợi đến lúc ốm đau mới tham gia BHYT.
|
Ảnh minh họa từ internet. |
Báo cáo tại hội thảo “Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai, vì là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối nên thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Trong số đó, có rất nhiều bệnh nhân tuổi đời còn trẻ, không nghĩ sẽ có lúc mình ốm đau, bệnh nặng nên không tham gia BHYT, đến khi mắc bệnh hoặc tai nạn phải sử dụng các kỹ thuật cao để điều trị, gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, bán nhà, vay mượn khắp nơi.
“Khoa Hồi sức tích cực thường xuyên có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Các bệnh nhân vào viện thường rất nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tổn thương tim phổi, suy gan cấp… nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo khiến chi phí điều trị lên tới vài chục triệu đồng mỗi ngày.
Theo ước tính, hiện nay ở Khoa Hồi sức tích cực trung bình còn khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ BHYT, mà rất nhiều người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng sẽ khiến kinh tế cả nhà xuống dốc không phanh, nghèo hóa vì bệnh tật”, báo cáo của BS. Nguyễn Ngọc Hiền cho biết.
Như trường hợp của bệnh nhân Hoàng Đình Hà (SN 1985, ở thôn Trung Sơn, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Bệnh nhân vào viện ngày 20/10/2016 với chẩn đoán là phình tách động mạch chủ type A, hở van động mạch chủ, hở van hai lá, ba lá nhiều, còn ống động mạch, suy tim. Cách đây một tháng bệnh nhân đã bỏ điều trị xin về, đợt này bệnh nặng lại quay lại bệnh viện điều trị.
Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân cho biết bệnh nhân cần được tiến hành 5 kỹ thuật: thay quai động mạch chủ, thay van động mạch chủ, thay van hai lá, sửa van ba lá, cắt ống động mạch. Chi phí phẫu thuật dự kiến khoảng 150 triệu đồng mặc dù bệnh nhân đã có BHYT hộ nghèo được hưởng 100%. Gia đình mới chỉ đóng được 5 triệu. Anh trai bệnh nhân cho biết gia đình có 5 anh em và bố đều mắc bệnh bạch biến. Bệnh nhân Hà đã có vợ và con trai được 11 tuổi, ly thân mẹ, hai bố con ở cùng bà nội. Căn nhà duy nhất đó cũng đã mang đi thế chấp được 40 triệu đồng.
Có thể thấy, với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thì BHYT đúng là chiếc “phao cứu sinh”. Theo đại diện của Khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường được ví von là căn bệnh của những nhà giàu bởi chi phí điều trị rất lớn, kể cả người giàu cũng sẽ trở lên nghèo khó nếu mắc bệnh lâu dài. Nếu không có BHYT, nhiều bệnh nhân sẽ bỏ điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả.
BS. Ngọc Hiền nhấn mạnh, BHYT là loại hình bảo hiểm “mua lúc khỏe để tích lũy cho lúc ốm” nhưng không ít người dân Việt Nam đến lúc ốm mới đi mua BHYT.
Như thông tin từ đại diện của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều gia đình tuy không phải là hộ nghèo nhưng vẫn lần nữa không mua BHYT. Sau hơn một năm thành lập, Phòng đã phải kêu gọi trợ giúp cho hơn 30 bệnh nhân bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, vì không tham gia BHYT nên không lo được viện phí, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến hơn 3 tỷ đồng.