Giá vàng “nhảy múa” đã không còn là chuyện riêng của những người kinh doanh vàng và khách hàng có nhu cầu tích trữ, giữ tiền bằng vàng. Đáng nói, sự biến động của thị trường vàng thời gian qua không phải lần đầu.
|
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, từ cuối 2023 đến nay, thị trường vàng biến động khó lường, tốc độ tăng của giá vàng trong nước, nhất là vàng SJC tăng “chóng mặt”. Trước cơn “co giật” của thị trường vàng, có lúc nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá đây là “mức giá kỳ cục”.
Thực tế này ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Sự tăng giá mạnh của vàng không chỉ giảm lưu thông tiền mà còn tạo ra áp lực tăng giá trên nhiều loại hàng hóa khác, nhất là thị trường bất động sản, nhà đất, khiến tình trạng càng ảm đạm hơn.
Chính vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 9 văn bản (tính từ tháng 6/2023 đến nay) chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Cách đây 2 ngày (ngày 20/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ban hành Công điện 23/CĐ-TTg. Ngay sau Công điện, chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái họp với NHNN, các Bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.
Trong các giải pháp, tại Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN đánh giá tổng thể thị trường vàng, gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức.
Chống độc quyền vàng miếng SJC và điều hành vàng theo nguyên tắc thị trường đã được một số chuyên gia khuyến cáo từ lâu. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có cơ chế đưa thị trường vàng nhẫn (vàng trang sức) trở thành thị trường phổ biến.
Thách thức đặt ra với quản lý thị trường vàng là không nhỏ vì sự bất thường của giá vàng, do nhiều yếu tố khách quan, trong đó có cung - cầu và “văn hóa trữ vàng” trong dân. Khi cung ít và cầu nhiều dễ dẫn đến đầu cơ, tích trữ, găm vàng đẩy giá, vượt xa với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, có “bóng dáng” của chủ quan, đó là sự quản lý.
Tại Công điện 23/CĐ-TTg, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Và muốn quản lý thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững phải “bắt đúng bệnh”, trong đó có một số vấn đề như đã nêu trên.